Thay
mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi hoan nghênh Hội bảo trợ tư pháp
cho người nghèo tổ chức Hội nghị giữa các cơ quan tư pháp, luật sư, báo chí và
doanh nghiệp với Hội để bàn về sự phối hợp giúp đỡ pháp luật cho người nghèo.
Đây là Hội nghị không quá đông người nhưng có ý nghĩa lớn với xã hội vì người nghèo
bao giờ cũng bị thiệt thòi nhất dễ bị tổn thương nhất, đồng thời Hội nghị cũng
thể hiện tính nhân văn mà người Việt Nam thường hay nói: “thương người như thể
thương thân”.
Thưa
các đồng chí,
Trong
nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác giúp đỡ pháp luật
cho người dân, đặc biệt là trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng có công,
đồng bào dân tộc thiểu số… Điều này được thể hiện trong Nghị quyết của Bộ Chính
trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, về Chiến lược cải cách
tư pháp đến năm 2020 và nhiều văn bản quan trọng khác…
Bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một trong những mục tiêu của cải
cách tư pháp ở nước ta. Trợ giúp pháp lý là yêu cầu của xã hội, của
người dân,nhất là những người không có điều kiện tiếp cận thường xuyên, đầy đủ
với các văn bản pháp luật. Qua việc trợ giúp pháp lý, pháp luật được thực hiện
hóa, đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được hưởng
đầy đủ các quyền lợi pháp lý do pháp luật quy định. Công
tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước mới được hình thành, chưa phát triển rộng rãi
trong cả nước. Toàn quốc hiện đang có khoảng 6.700 luật sư, tập trung chủ yếu ở
địa bàn thành phố và trung tâm tỉnh lỵ, chưa phát triển đến vùng sâu, vùng xa,
vùng còn khó khăn. Tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội cũng mới chỉ
hình thành ở một số địa phương, chủ yếu dựa vào lực lượng của nghành tư pháp.
Trong khi đó Nhà nước ban hành nhiều Luật để xác định quyền pháp lý cho công
dân và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với công dân, Nhà nước cũng ban
hành nhiều chính sách và giải pháp giúp đỡ người nghèo, nhưng pháp luật đến với
người dân còn chậm chạp và khó khăn. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa và cốt lõi của nó là bảo đảm quyền dân chủ của một xã hội dân
chủ, mà trước hết là dân chủ với người dân, đặc biệt là cho người dân nghèo. Do
đó, hoạt động giúp đỡ pháp luật cho người dân nói chung và cho người nghèo nói
riêng là vấn đề cấp bách mà Nhà nước và xã hội cần phải quan tâm
Việc
Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội –
nghề nghiệp của những người làm công tác trợ giúp pháp lý được thành lập và sớm
đi vào hoạt động là cần thiết và thiết thực để chia sẻ trách nhiệm với Nhà
nước, với xã hội về bảo trợ tư pháp cho người nghèo. Tôi rất vui mừng thấy Hội
có nguồn hội viên đông đảo và đều tự nguyện tham gia công tác Hội. Tuy mới
thành lập, Hội đã bước đầu có những hoạt động tích cực trong việc xây dựng mạng
lưới, tiếp nhận vụ việc và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Đặc biệt là Hội đã có những Hội viên giỏi nghề nghiệp, nhiệt huyết như đồng chí
Chủ tịch Hội, có cả 4 đồng chí Vụ trưởng của 03 Văn phòng Trung ương và Bộ Tài
chính. Hội nghị có mặt nhiều doanh nhân thành đạt, tâm huyết, nhiều luật sư,
luật gia có quá trình cống hiến, có đồng chí tuổi cao như đồng chí ở Thừa Thiên
Huế tuổi trên 70 vẫn tham gia.
Trong
Hội nghị này, đại diện các cơ quan tư pháp, tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà
nước và các Đoàn Luật sư, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp,
cùng với Hội thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để có các biện pháp phối hợp, chung
tay hoạt động giúp đỡ pháp luật cho nhân dân là việc làm rất đáng khích lệ và
phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Tham dự Hội nghị, tôi muốn phát
biểu thêm một số nội dung về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo để
các đại biểu cùng trao đổi.
Thứ nhất, các hoạt động của Hội Bảo trợ Tư pháp cho người
nghèo Việt Nam cần tăng cường về số lượng và chất lượng dịch vụ pháp lý miễn
phí, giảm phí và tư vấn tiền tố tụng, tham gia theo đúng quy trình tố tụng, mở
rộng diện người được giúp đỡ pháp lý và phạm vi hoạt động từ Trung ương đến địa
phương; thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cộng đồng, góp phần thực hiện
cải cách tư pháp.
Thứ
hai, Hội Bảo trợ tư pháp
cho người nghèo Việt Nam là một tổ chức xã hội- nghề nghiệp hoạt động trên cơ
sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải, chịu trách nhiệm độc lập trong khuôn khổ
quy định của pháp luật nên cần có sự hỗ trợ, hợp tác thiết thực, phù
hợp của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật. Thứ ba, Hội
Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam mới thành lập nên việc phát
triển về số lượng và chất lượng Hội viên là rất cần thiết. Hội cần
tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các Hội viên về kỹ năng, kinh
nghiệm nghiệp vụ, nhất là hình thành đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền
Tư pháp trong sạch và vững mạnh. Đồng thời, cần nghiên cứu để tiến tới hợp tác
quốc tế và phối hợp hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi cũng
nhân smanhj đến yêu cầu năng lực và đạo đức nghề nghiệp của Hội viên để xứng
đáng với sự tin tưởng của dân nghèo- đó là phẩm chất nghề nghiệp và sự liêm
chính như đồng chí Lý, Chủ tịch Hội đã nêu trong báo cáo.
Thứ
tư, các cơ quan tư pháp, báo chí, các luật sư, luật gia.… cần xác định
rõ sự phối hợp cụ thể với Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt
Nam để tăng cường số vụ việc tranh tụng, đưa tin về các vụ việc điển hình, xây
dựng các chuyên mục báo chí nhằm hỗ trợ pháp luật cho những vùng nghèo, miền
núi khó khăn, cho những gia đình chính sách, có công với đất nước.…
Thứ
năm, trong những điều kiện cụ thể, các doanh nghiệp có những
hình thức phối hợp phù hợp với Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo
Việt Nam, ví dụ như: các hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí, giảm phí,
bảo vệ lợi ích người tiêu dung, tài trợ cho các vụ đại diện, bào chữa ở những
vùng, miền khó khăn…
Thứ
sáu, Hội hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cần hỗ
trợ Hội và quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Qua
đó, tôi mong muốn Hội nghị tập trung thảo luận về
những nội dung, vấn đề cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hoạt
động và dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động được đông đảo cán
bộ, chuyên gia pháp luật, những người có trình độ, kiến thức pháp luật và tâm
huyết tham gia ủng hộ hoạt động bảo trợ tư pháp cho người nghèo, góp phần hỗ
trợ công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước; kêu gọi những tổ chức, cá nhân có
điều kiện hỗ trợ về tài chính đối với công tác này; tăng cường các hoạt động
truyền thông pháp luật qua báo chí,…
Qua
báo cáo của Hội và một số ý kiến phát biểu, tôi hoan nghênh những
kết quả bước đầu đạt được của các đồng chí. Mặc dù công tác tổ chức các Hội
thành viên và Chi hội còn đang ở trước mắt nhưng hôm nay tôi thấy đại biểu của
hầu hết các địa phương đến tham gia hội nghị. Qua đó, tôi tin tưởng rằng Hội sẽ
có một hệ thống đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong
điều kiện hiện nay. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Nội
vụ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan có các hình thức hỗ trợ phù hợp để
Hội thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo đạt hiệu quả, thiết
thực, đáp ứng được nhu cầu của người có công, sự mong mỏi và nhu cầu của
người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, thể hiện rõ tính ưu
việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo toàn diện đến đời sống của nhân
dân.
Thưa
các đại biểu, Một
lần nữa, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,
góp phần tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo hiện nay.
Trân
trọng cảm ơn các đại biểu; chúc đồng chí Tạ Thị Minh Lý và đồng chí Nguyễn Thúy
Hiền, 2 phụ nữ thành đạt và các phụ nữ khác có mặt ở đây luôn cố gắng và thành
công trong công tác.
|