Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật. Một trong các quyền bình đẳng đó là mọi
công dân Việt Nam đều được tiếp cận và nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng và
pháp luật của Nhà nước, để họ hiểu rõ và làm tốt nghĩa vụ của mình đối với Nhà
nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của của
công dân và của bản thân họ, đồng thời, để đấu tranh với những hành vi vi phạm
pháp luật. Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền, Quốc hội, Chính phủ,
các Bộ, cơ quan nganh Bộ và HĐND, UBND các cấp theo thẩm quyền của mình, đã ban
hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để điều hành quản lý nhà nước, quản
lý xã hội trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, văn
hóa, giáo dục, y tế… nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho
nhân dân. Một trong các chính sách quan trọng và mang tính nhân đạo cao của
Đảng và Nhà nước ta là dành cho tầng lớp nhân dân còn nghèo, các đối tượng được
hưởng chính sách xã hội, gia đình có công với cách mạng…là trợ giúp pháp luật
miễn phí cho họ để họ có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu, hiểu biết về pháp luật và
giúp họ (tư vấn miễn phí) tiếp cận được với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước,
để họ có cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình khi bị tranh chấp hoặc
vướng mắc nhưng không có điều kiện nhờ dịch vụ pháp lý phải trả phí.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xã
hội, trong những năm qua, công tác này đã và đang được phát triển tốt. Tuy
nhiên, để nâng cao hơn nữa về chất lượng
cũng như giúp đỡ được nhiều người có nhu cầu trợ giúp pháp lý, Hội Bảo trợ tư
pháp cho người nghèo Việt Nam ra đời, đánh dấu một mốc lịch sử về chính sách xã
hội hóa đối với công tác này, thể hiện sự không ngừng quan tâm của Đảng và Nhà
nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Để Hội Bảo trợ tư pháp sớm xây dựng
được mạng lưới trong toàn quốc và đi vào hoạt động, chúng tôi nhận thức rằng
không thể thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, với tinh thần trách nhiệm cao của
các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp đầy trách nhiệm và hiệu quả của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã
hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Chỉ có như vậy Hội mới hoàn
thành được mục tiêu thực hiện tốt tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa miễn phí
cho người nghèo, các đối tượng chính sách và nhóm yếu thế khác. Công tác phối
hợp với các Đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong từng bước vận động,
hình thành lực lượng của Hội là rất quan trọng. Trong Hội nghị hôm nay, vì thời
gian không có nhiều, tôi xin đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận một số
biện pháp để phối hợp với Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam và làm
thế nào để Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phối hợp với các Đoàn
thể, tổ chức chính trị - xã hội được tốt nhất. Để chúng ta huy động được nguồn
lực, sự đóng góp và trí tuệ giúp đỡ tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa và bảo
vệ quyền lợi, hòa giải,… miễn phí cho những người nghèo, các đối tượng chính
sách và nhóm yếu thế khác, để họ bớt “nghèo” về pháp luật và họ được tiếp cận
với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Giúp họ có cơ hội đấu tranh với những
hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, của
công dân khác và quyền lợi hợp pháp của mình. Chúng tôi xin sơ bộ đề xuất một
số biện pháp để các đại biểu cùng thảo luận, cho ý kiến giúp chúng tôi nghiên
cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh:
1. Về tổ chức: Xây dựng các Trung tâm
tư vấn pháp luật miễn phí ở các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc TW) với
sự giúp đỡ, phối hợp của các Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong quá
trình xây dựng phương án tổ chức, nhân sự và các thủ tục để trình cơ quan nhà
nước có thẩm quyền ở địa phương phê chuẩn.
2. Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các Đoàn thể, tổ chức chính trị -
xã hội với Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, để thường xuyên trao
đổi các thông tin về: yêu cầu trợ giúp pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể,
từng đối tượng cụ thể; và từng địa bàn cụ thể để tổ chức các buổi lưu động, truyền
thông, giải thích pháp luật ở địa phương, cơ sở.
3. Trao đổi các vướng mắc về mặt luật
pháp đối với từng trường hợp cụ thể
và đối tượng cụ thể mà các đoàn thể, tổ chức nắm được do các đối tượng này là
hội viên của tổ chức- đoàn thể chính trị- xã hội và do tổ chức đề nghị, giới
thiệu để Hội giúp đỡ về pháp lý.
4. Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên
đề về những vướng mắc pháp luật, hoặc các thủ tục hành chính mà các đối tượng
được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý không tiếp cận được và tìm ra biện pháp khắc
phục.
5. Hội Bảo trợ tư pháp cho người
nghèo Việt Nam cung cấp cho các Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội những địa
chỉ cụ thể của từng Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí trong toàn bộ mạng
lưới, để họ thường xuyên liên hệ và giới thiệu cho các đối tượng có nhu cầu
liên hệ giúp đỡ.
6. Hội Bảo trợ tư pháp cho người
nghèo Việt Nam thường xuyên thông báo cho các Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã
hội về kết quả tư vấn pháp luật (về số lượng người được trợ giúp pháp luật, kết
quả, lĩnh vực pháp luật được tư vấn nhiều nhất…), hàng năm đánh giá kết quả và
đề xuất các biện pháp, kế hoạch trợ giúp pháp luật cho thích hợp.
7. Phối hợp, trao đổi tình hình thực
tế về các văn bản pháp luật chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong quá trình
thực hiện trợ giúp pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Nhà
nước, của công dân và những kẽ hở trong quản lý… để cùng nhau xây dựng phương
án kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
8. Các Đoàn thể, tổ chức chính trị -
xã hội góp ý, xây dựng để nâng cao chất lượng chuyên môn của các Trung tâm tư
vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách, các luật sư
khi tiến hành các hoạt động trợ giúp pháp luật.
9. Phối hợp chặt chẽ để cùng nhau tìm
các nguồn lực về tài chính hợp pháp tài trợ cho các Trung tâm tư vấn pháp luật
miễn phí và Hội Bảo trợ tư pháp để có kinh phí hoạt động và trả thù lao cho các
luật sư có đủ trình độ chuyên môn, tham gia vào công tác tư vấn pháp luật, đại
diện và bào chữa cho những người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách
trợ giúp pháp lý miễnphí./. Phó chủ tịch Luật sư Bùi Ngọc Nhuần
|