Trong những năm
qua, thực hiện Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi
hành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư 62
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tích cực chỉ đạo, hỗ trợ; tạo điều
kiện cũng như động viên, khích lệ các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tham
gia vào công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo,
các đối tượng khác và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Có thể thấy vai trò
của luật sư trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí thể
hiện cụ thể trên các nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất,
các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn
phí cho người nghèo, người yếu thế khác bằng các hình thức khác nhau như tư vấn
pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Việc
cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực pháp
luật như hình sự, dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân, gia đình và các lĩnh
vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đế quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân. Qua đó, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã giúp họ hiểu biết pháp
luật đầy đủ hơn, biết được các quyền, nghĩa vụ cũng như trực tiếp giúp họ bảo
vệ các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Đặc biệt, qua hoạt
động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, người nghèo và
đối tượng yếu thế khác còn biết lựa chọn các hành vi ứng xử phù hợp với quy
định của pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng tư pháp
giữa các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội trong tiếp
cận và thực hiện pháp luật.
Thứ hai, các
luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã trực tiếp tham gia vào công tác truyền
thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức
tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; góp phần hỗ trợ
công tác thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, thực thi dân chủ, tăng cường
pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ ba, các
luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, người có
thẩm quyền, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
trong thực thi pháp luật; góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ
việc; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ việc được chính
xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm
oan người vô tội; phòng ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm
chế độ công vụ dẫn đến sai sót, oan sai, phải bồi thường thiệt hại hoặc dẫn đến
tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội;
giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất tạo ra của cải cho xã hội; tích cực
góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ.
Thứ tư, qua
hàng ngàn vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho người nghèo và các đối tượng yếu thế khác đã được các luật sư và
tổ chức hành nghề luật sư thực hiện, đã giúp các đối tượng này được tiếp cận hệ
thống pháp luật cũng như tiếp cận công lý một cách bình đẳng như các chủ thể
khác, góp phần hỗ trợ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, xây dựng xã hội
công bằng, dân chủ, văn minh theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người trong các
điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hội Bảo trợ Tư
pháp cho người nghèo Việt Nam sau Đại hội lần thứ nhất ngày 31/7/2011, đã tích
cực kiện toàn tổ chức, đề ra Kế hoạch hoạt động cụ thể. Tuy mới ra đời, tồn tại
và phát triển được hơn 01 năm nhưng đã thực sự phát huy vị trí, vai trò và ý
nghĩa của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm công tác trợ
giúp pháp lý miễn phí và những người làm việc trong các cơ quan tiến hành tố
tụng, các luật sư, tư vấn viên pháp luật và những người làm công tác pháp luật
khác tán thành với Điều lệ Hội, ủng hộ các hoạt động tư vấn pháp luật và trợ
giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và những đối tượng yếu thế khác ở Việt
Nam. Đến nay, mạng lưới các đơn vị trực thuộc Hội cũng như Ban vận động thành
lập Hội tại một số địa phương đã và đang được thành lập. Hội đã thành lập nhiều
Trung tâm thuộc trung ương Hội để thực
hiện chức năng của Hội, tích cực tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện,
bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng; đại
diện ngoài tố tụng tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để hỗ trợ,
giúp đỡ người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định cũng
như giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào các quan hệ
pháp luật. Tuy kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, nhưng hoạt động của Hội đã
khẳng định tính đúng đắn của việc ra đời, phát triển của Hội, không chỉ trong
hiện tại mà còn cả trong những năm tới đây.
Để hoạt động của
Hội phát triển ổn định, bền vững, ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, ngoài sự
cố gắng, nỗ lực của Hội, các đơn vị trực thuộc Hội và toàn thể các Hội viên, không
thể thiếu được vai trò đặc biệt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật
sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như các tổ chức hành nghề
luật sư mà trung tâm là các Luật sư.
Để phát huy đầy đủ
vị trí, vai trò và trách nhiệm đó, tại Hội nghị này, với sự có mặt của đông đảo
các quý vị Đại biểu, khách quý, nhất là đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt
Nam, Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư của các
tỉnh, thành phố, đại diện cho các luật sư trong toàn quốc, chúng tôi mong muốn
có sự trao đổi, thảo luận, góp ý của các Quý vị để cùng với Hội Bảo trợ Tư pháp
cho người nghèo Việt Nam tìm kiếm các giải pháp cụ thể để tăng cường mối quan
hệ phối hợp trong công tác bảo trợ tư pháp cho người nghèo. Trước mắt, Hội
chúng tôi đề ra một số giải pháp sau đây để tăng cường các mối quan hệ phối hợp:
Một là, giữa
Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng
như các Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần ký kết các Kế
hoạch, Chương trình phối hợp công tác cụ thể, trong đó cần xác định rõ mục tiêu,
yêu cầu cần đạt được; các nội dung phối hợp; các hoạt động và giải pháp chủ yếu
để thực hiện; trách nhiệm của từng tổ chức trong việc thực hiện và các điều
kiện bảo đảm duy trì quan hệ phối hợp.
Hai là, tăng
cường công tác phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin trong quá trình tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của từng tổ chức có liên quan đến phạm vi
hoạt động của nhau, nhất là trong các hoạt động Hội thảo, Tọa đàm, nghiên cứu
khoa học cũng như trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tư vấn pháp luật, trợ
giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng yếu thế.
Ba là, tăng
cường công tác thông tin, truyền thông trong quá trình hoạt động; lồng ghép,
phối hợp trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn pháp luật,
trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng yếu thế để sử dụng có hiệu
quả các nguồn lực; chia sẻ, giới thiệu các đối tác của nhau để khai thác, sử
dụng có hiệu quả các mối quan hệ mà mỗi bên có được.
Các giải pháp nêu
trên mới chỉ là bước đầu, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các Đại biểu thảo luận
thêm về các nội dung sau đây:
1. Các điều kiện
cần thiết để bảo đảm duy trì mối quan hệ phối hợp giữa Hội Bảo trợ Tư pháp cho
người nghèo Việt Nam với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Nội dung phối
hợp; các hoạt động và nhiệm vụ chủ yếu; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi
bên; mối quan hệ giữa trợ giúp pháp lý của Nhà nước với hoạt động tư vấn pháp
luật và trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, của Hội Bảo trợ Tư pháp cho
người nghèo Việt Nam.
3. Sự chia sẻ kinh
nghiệm và đặc biệt giới thiệu các luật sư có sức khỏe, tâm huyết để có nguồn
lực thành lập các Trung tâm thuộc Trung ương Hội và tham gia vào việc vận động
thành lập Hội và các Trung tâm ở cấp tỉnh.
Đây là một số ý
gọi mở với mong muốn các Quý vị Đại biểu cùng tham gia thảo luận, góp ý kiến để
Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực của các
Quý vị. Trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các Quý vị Đại biểu, khách quý. Tổng Thư ký
Luật sư Đỗ Xuân Đài
|