1/ Trong thời đại ngày nay, nhất là ở nước ta,
vai trò của truyền thông và báo chí luôn chiếm một vị trí quan trọng trong thông
tin, truyền tải những định hướng to lớn vì mục tiêu xây dựng đất nước: “dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra, đã
và đang đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm
sự phát triển bền vững xã hội.
Thông qua các kênh truyền dẫn (trong
đó đặc biệt phải kể đến báo chí: báo in, báo phát thanh truyền hình, báo mạng…),
truyền thông đại chúng đưa ra các thông điệp tác động vào đông đảo công chúng
xã hội nhằm động viên và tập hợp, giáo dục và thuyết phục, đồng thời tổ chức
đông đảo nhân dân tham gia giải quyết các nhiệm vụ chính trị- kinh tế- văn hóa-
xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, truyền thông và báo chí
còn có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện Quyền được thông tin của người dân.
Đây là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp và pháp luật
bảo vệ.
Với trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ
hành nghề, 67 đài phát thanh và truyền hình ở TƯ và địa phương, gần 800 cơ quan
báo chí với hàng ngàn ấn phẩm thực sự trong những năm qua, công tác truyền
thông và báo chí ở nước ta đã và đang phát huy được sức mạnh của mình.
2/ Hội Bảo trợ Tư pháp cho người
nghèo Việt Nam (VIJUSAP) ra đời ngày 6 tháng 5 năm 2011 trên cơ sở Quyết định
số 1012-QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2011.
Căn cứ vào Điều lệ của Hội đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyêt theo Quyết định số 1764/QĐ-BNV thì Hội Bảo trợ
tư pháp cho người nghèo Việt Nam là tổ chức xã hội- nghề nghiệp của những người
làm công tác trợ giúp pháp lý và những người tình nguyện thường xuyên ủng hộ, thúc
đẩy, phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý không vì mục đích lợi nhuận theo các
quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ rất cần thiết trong bối cảnh
hiện nay khi mà còn tồn tại những vấn đề xã hội phức tạp, còn có những bất cập
về pháp luật và thực thi pháp luật, còn để xảy ra những hậu quả đáng tiếc ảnh
hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, với những
người vì lí do nào đó còn có đời sống ở mức nghèo khổ, những người có công và
những đối tượng yếu thế khác bị thiệt thòi về quyền lợi hoặc không có khả năng
bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Để làm được việc này là rất khó nếu như không
có sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đặc biệt là của giới
truyền thông, báo chí.
Để xã hội và nhân dân hiểu và tin tưởng vào các công việc của Hội,
Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam không thể không có một cơ quan
ngôn luận nhằm phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật, đường lối chính sách
của nhà nước, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy
định của pháp luật. Đây là diễn đàn công khai. Chính vì mục tiêu đó, vừa qua
Hội cũng đã có dự án thành lập Tạp chí Vì người nghèo. Trong khi chờ cấp phép,
Hội mong nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của nhân dân và của các cơ quan. Và kể
cả sau này, khi đã có Tạp chí, thậm chí là có cả báo in, thì vẫn rất mong các
cơ quan truyền thông tiếp tục giúp đỡ
cộng tác tích cực để Tạp chí (hoặc tờ báo) làm tốt công nhiệm vụ, chức
năng của mình.
3/ Để thực hiện có kết quả nhiệm vụ
Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo là một điều rất khó khăn, phức tạp, cả chủ quan
lẫn khách quan. Ngoài sự nỗ lực để công khai, minh bạch hoạt động giải quyết vụ
việc từ phía các cơ quan có thẩm quyền, Hội Bảo trợ Tư pháp cùng các thành
viên, các cá nhân, tập thể có tâm huyết nhận thấy dư luận xã hội từ truyền
thông đóng một vai trò quan trọng. Những thông tin chính xác, hợp lý, hợp tình
sẽ tạo cơ hội, thúc đẩy công việc mau đến đích. Sự phối hợp với các cơ quan
truyền thông, báo chí luôn luôn là trách nhiệm và nguyện vọng hàng đầu của Hội
Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.
Với kinh nghiệm và nghiệp vụ phong
phú , hy vọng rằng các cơ quan truyền thông, báo chí sẽ đứng bên cạnh Hội nhất
là trong việc thông tin vụ việc khó, có vướng mắc hoặc bị bao che, tạo dư luận
có cái nhìn khách quan, toàn diện và đa chiều khi giải quyết các vụ việc liên
quan đến người nghèo, đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội trên tinh
thần thượng tôn pháp luật, đúng chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước.
Từ đó, góp phần bảo đảm xây dựng một xã hội công bằng, mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật, bảo hộ các quyền lợi hợp pháp cho người nghèo vì một xã hội
trật tự và mang tinh thần nhân bản của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách”, mọi người
sống theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng một đất nước ổn định và phồn vinh.
4/ Về sự phối hợp cụ thể tại Hội nghị này chúng ta sẽ bàn. Nếu chúng ta
cùng tâm nguyện vì người nghèo thì dẫu có thử thách thế nào, tin rằng, chúng ta
sẽ vượt qua. Dưới đây là một số điểm cần
bàn bạc và thảo luận kỹ:
1. Về truyền thông và giáo dục pháp
luật phổ thông
2. Thông tin, tìm hiểu, giải thích
pháp luật theo chuyên mục
3. Đấu tranh với những hành vi vi
phạm pháp luật với nhóm nghèo
4. Phối hợp nắm tin, xác minh và đưa
tin về vụ việc
5. Thực hiện các phóng sự về bảo trợ
tư pháp
Phó chủ tịch
Luật sư- Tiến sỹ: Hồ Phong Tư
|