DANH BẠ PHÁP LÝ
thu tuc TGPL
Cong bao chinh phu
Cong chung
mau van ban
Tra cuu van ban luat mien phi
Luat su Dong Nam A
Khách online: 89
Lượt khách: 1
Tìm kiếm tin tức

Hội Bảo trợ tư pháp luôn đồng hành cùng người dân

Hiến pháp 1992, quy định công dân bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật có quyền sử dụng dịch vụ pháp lý: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”

Hiến pháp 1992 quy định: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật" và "Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân (các Điều 50, 51). Đặc biệt, Hiến pháp 1992, quy định công dân bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật có quyền sử dụng dịch vụ pháp lý: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 132). Hiến pháp 1992 đã thể chế quan điểm các Điều ước mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào”[1]. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại điểm d) khoản 3 Điều 14 đã đặt ra vấn đề, trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mỗi người đều có quyền đòi hỏi một cách hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau: “được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc nhờ sự trợ giúp pháp lý do mình chọn; nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý thì phải được thông báo về quyền này; trong trường hợp do lợi ích của công lý đòi hỏi, phải bố trí cho người đó một sự trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền nếu người đó không có đủ điều kiện trả”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng xác định: “tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, “cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp[2]. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 đề ra chủ trương“đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách theo hướng xã hội hoᔓtừng bước xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp…”, tăng cường tranh tụng. Luật TGPL 2006 đã xác định rất rõ chính sách TGPL, quy định TGPL là trách nhiệm của Nhà nước; Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ  chức thực hiện TGPL; đồng thời, Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động TGPL; Luật cũng xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm về chất lượng vụ việc TGPL- đã giúp phải có chất lượng. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/ 01/2006 của Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định TGPL là một chính sách góp phần xoá đói, giảm nghèo, đã xác định yêu cầu “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường TGPL và khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật”…[3]. Luật TGPL tại Điều 10 và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ tại Điều 2 quy định cụ thể người được TGPL là nhóm công dân được hưởng ưu đãi của nhà nước do có công lao to lớn đóng góp cho đất nước hoặc nhóm yếu thế, bị rào cản về kinh tế, ngôn ngữ hoặc thể chất. Ngoài ra, nhiều Luật mới cũng bổ sung đối tượng được TGPL như người cao tuổi, nạn nhân bị mua bán, người bị nhiễm HIV,…Đặc biệt,  đối tượng được TGPL trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã được khảng định lại trong Luật TGPL năm 2006 tại Điều 2 “…Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó”. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp, trên cơ sở báo cáo của trên 50 địa phương, tổng số vụ việc đã được TGPL từ 1997- 9/ 2012 là 1.534.267 vụ việc cho tổng số:1591582 người trong đó 872.130 nam và 719. 452 nữ với tổng số trên 9.200 vụ đại diện, bào chữa, trên 1.300.000 vụ tư vấn pháp luật còn lại là kiến nghị và hòa giải giải, thực hiện truyền thông pháp luật cho hàng triệu lượt người. Như vậy, ở Việt Nam, TGPL đang ngày càng được khẳng định vị trí trong đời sống xã hội như một biện pháp pháp luật, do Nhà nước và xã hội tổ chức thực hiện để tham gia tranh tụng, cùng Tòa án góp phần bảo vệ quyền công dân và thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội công bằng và văn minh, hòa nhịp chung với tiến bộ và phát triển nhân loại.

Quyết định số 678/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 05 năm 2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030  đã xác định tại điểm “e) Nghiên cứu, xây dựng … và tổ chức thực hiện thí điểm theo vùng miền: Đề án huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL nhằm hình thành Hội nghề nghiệp về trợ giúp pháp lý để tham gia nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách pháp luật về TGPL, bồi dưỡng kỹ năng và nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đồng thời tham gia phản biện xã hội các chính sách về pháp luật TGPL”, và đến 2020-2030 thì: “b) Tăng cường năng lực của các tổ chức hành nghề luật sư và các tổ chức xã hội tham gia TGPL để dần trở thành lực lượng thực hiện TGPL chủ yếu, bảo đảm tính chuyên nghiệp của dịch vụ TGPL. Xây dựng cơ chế phù hợp để hoạt động TGPL thu hút được các luật sư giỏi tham gia.”

Bộ Tư pháp cũng có chủ trương về việc “phát triển các nghề luật, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ngành Tư pháp (Luật sư, công chứng, giám định tư pháp, TGPL...) phù hợp với lộ trình CCTP, xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp”, “tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với nâng cao năng lực tự quản của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp của các chức danh bổ trợ tư pháp” trong giai đoạn 2008-2009 tại Mục 2.3 của Báo cáo số 87/BC-BCS “Sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp” của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 14/11/2008. Vì vậy, ngày 10/8/2009, tại Quyết định số1901/QĐ-TP Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã công nhận Ban vận động thành lập Hội; ngày 06/5/2011,  Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1012/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, ban hành Quyết định số 1764/QĐ-BNV ngày 06/10/2011 phê duyệt Điều lệ Hội; theo Quyết định này Hội là tổ chức xã hội- nghề nghiệp của những người làm công tác trợ giúp pháp lý và những người ủng hộ, tán thành Điều lệ Hội. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, hoạt động phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về hoạt động bảo trợ tư pháp và các hoạt động khác có liên quan theo quy định tại Điều lệ Hội và của pháp luật. Với tên gọi, Hội mong muốn tiếp tục ý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chế định “Tư pháp bảo trợ” năm 1946[4], 02 tháng sau cách mạng tháng Tám, nhằm bảo đảm có Luật sư thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo trước các phiên xét xử tại Toà án của chế độ dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 10/SL ngày 10/10/1945 về việc duy trì tổ chức Luật sư cũ. Hiến pháp 1946 (điều 67) quy định: “Người bị cáo[5] được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư”. Ngay sau đó, Chủ tịch đã ký các Sắc lệnh 13/SL ngày 24/1/1946, trong đó có quy định về chế độ “Tư pháp bảo trợ”: “nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một Luật sư hoặc một bào chữa viên để bào chữa”. Tại Sắc lệnh số 113/SL ngày 28/6/1946 về lệ phí và án phí (điều 7) cũng quy định “nguyên cáo hoặc bị cáo trong một việc hộ (dân sự) có quyền xin tư pháp bảo trợ”, như vậy, chế định bảo trợ tư pháp cũng được áp dụng đối với các vụ việc dân sự do Toà xử. “Người bị can, bị cáo”, cũng như “nguyên cáo hoặc bị cáo’ trong việc dân sự trong các trường hợp này đều không phải nộp thù lao hay lệ phí cho “Tư pháp bảo trợ”. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên chính sách “Tư pháp bảo trợ” đã bị sao lãng dần sau một thời gian được tổ chức thực hiện.

 Hiện nay, Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã xác định Kế hoạch hoạt động của Hội giai đoạn 2012 - 2016 tại Nghị quyết số 03/NQ-BCH ngày 27 tháng 3 năm 2012. Theo đó, được sự hỗ trợ tích cực của Quận ủy, Hội đã thành lập Chi bộ Đảng trực thuộc Quận ủy Ba Đình, tham gia các sinh hoạt Đảng của Quận ủy từ tháng 6/2012. Hội đã làm việc với đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực của MTTQVN, đã hoàn thành Hồ sơ chuyển sang Trung ương MTTQ để xin gia nhập Thành viên. Hội cũng đang nghiên cứu Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Hội đặc thù, với chức năng TGPL miễn phí. Đồng thời, đã hoàn thiện các thủ tục để xin phép phát hành Tạp chí Vì người nghèo, tạo diễn đàn hoạt động nghiệp vụ cho Hội viên và truyền thông đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiện trang Web baotrotuphap.com đã đi vào hoạt động và đang tiếp tục được chỉnh trang để liên kết, hỗ trợ Hội viên trong khai thác, sử dụng công nghệ tin học vào tra cứu pháp luật và chia sẻ kinh nghiệm.

Hội xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng mạng lưới, phát triển Hội viên, nhanh chóng kiện toàn một số đơn vị để có thể bắt tay ngay vào việc tiếp, thụ lý và thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng được TGPL. Theo Kế hoạch Hội sẽ thành lập 16 Trung tâm thuộc Hội ở một số địa phương đã có được sự chuẩn bị về nguồn lực và cơ sở vật chất, đồng thời đang có nhiều nhu cầu giúp đỡ pháp lý của người dân. Đến nay, Hội đã thành lập được 06 Trung tâm, trong đó, 02 Trung tâm đã đi vào hoạt động, đã giải quyết được hàng nghìn vụ tư vấn pháp luật và một số vụ tham gia tố tụng. Số vụ việc do 02 Trung tâm đã hoàn thành này mới là bước đầu, tuy chưa nhiều, nhưng đã khẳng định sự đúng đắn về phương châm và nguyên tắc hoạt động của Hội. Kết quả cụ thể và rất thiết thực này đã khích lệ để Hội tiếp tục vừa thí điểm vừa mở rộng phạm vi, đa dạng hoạt động nghiệp vụ hơn nữa. Các Trung tâm sẽ tập trung thực hiện bảo trợ tư pháp cho nhóm đối tượng đặc thù như nhóm nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em, người lao động di cư, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,…Sau đó, Hội sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm để trao đổi kinh nghiệm chung với các tổ chức TGPL của Nhà nước và tổ chức Luật sư. Để thực hiện được Kế hoạch, Hội sẽ đồng thời tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát nhu cầu, khảo sát nguồn lực, sự cam kết, ủng hộ của địa phương,… trên cơ sở tự nguyện của các địa phương. Do đó, Hội luôn nhận thức được vai trò quan trọng to lớn khi có sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn thể, các cơ quan tư pháp, tổ chức TGPL, các tổ chức luật sư, các cơ quan truyền thông, báo chí và đặc biệt sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và nhân dân tại địa bàn.

Về cấp Hội ở địa phương, Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo TP. Hà Nội đã tổ chức xong Đại hội lần I và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hành chính, chuẩn bị nhân sự, chờ Điều lệ được phê duyệt để đi vào họat động. Trung ương Hội đang dõi theo sự vận động và hình thành cấp Hội ở các địa phương khác. Hội luôn ý thức sâu sắc rằng đây là Hội của những người tự nguyện tham gia và hỗ trợ cho công tác TGPL, vì vậy, Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh khi có các các Hội ở địa phương, các đơn vị hành nghề thuộc Hội; nhưng các đơn vị này cũng chỉ thành công khi có sự phối hợp, tham gia và đóng góp nhiệt tình có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Cùng với việc hình thành và kiện toàn tổ chức, Hội cũng đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường năng lực cho Hội viên và đơn vị trực thuộc, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho Hội theo quy định của pháp luật. Ngay từ khi mới thành lập, Hội đã nhận được sự hỗ trợ về địa điểm làm việc của Công ty địa ốc Thăng Long tại 97 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Vừa qua, Hội đã nhận được sự tài trợ của tổ chức OXFAM NOVIB để kiện toàn tổ chức, mở rộng mạng lưới, tăng cường năng lực thực hiện TGPL cho các đối tượng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người lao động di cư, người khuyết tật, nghèo và cận nghèo,…Tổ chức này đang đề nghị Hội tiếp tục nghiên cứu để thành lập 26 Trung tâm trong toàn quốc để cùng các địa phương thiết thực mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng TGPL miễn phí và tăng số vụ việc có luật sư tham gia. Quỹ JIFF thuộc Chương trình Đối tác Tư pháp của EU và Chính phủ Đan Mạch cũng đã tổ chức các buổi làm việc để xác định các hoạt động hỗ trợ hình thành cơ chế quản lý và phát triển Hội trong giai đoạn tới.

Trong Hội nghị này, Hội cũng sẽ nhận được sự quan tâm và tham gia hỗ trợ cho họat động Hội từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan Tư pháp, một số tổ chức, doanh nghiệp, báo đài và cá nhân trong nước. Chúng ta sẽ cùng tham gia thảo luận các chuyên đề và thảo luận sâu về một số vấn đề về tổ chức và phối hợp như:

-         Việc hình thành các Hội địa phương, quy trình thủ tục thành lập Ban vận động, tìm nguồn nhân lực, địa điểm, báo cáo chính quyền,…;

-         Việc thành lập các đơn vị hành nghề của Hội nằm tại các khu vực, sự cam kết ủng hộ của địa phương, sự chuẩn bị về nguồn lực, cơ sở vật chất, nhu cầu của người dân,…;

-         Mối quan hệ phối hợp, tham gia của các đơn vị này với các cơ quan bảo vệ pháp luật, với các đoàn thể, các đơn vị tại địa phương, việc lồng ghép trong các hoạt động, cơ chế dọc ngang;

-         Sự phối hợp trong việc nâng cao năng lực, tập huấn, hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết vụ việc, sinh hoạt Câu lạc bộ,…

-         Sự phối hợp trong công tác truyền thông, xây dựng uy tín, địa chỉ tiếp dân, đăng tin vụ việc, xác minh và sử dụng vụ việc điển hình,…

-         Tìm kiếm và xây dựng Quỹ để duy trì hoạt động của Hội, xây dựng bộ phận cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí để tự trang trải, liên kết về bảo hộ pháp lý cho một số doanh nghiệp và hộ gia đình,…

 



[1] Quyền con người trong quản lý tư pháp, Vũ Ngọc Bình tuyển chọn , Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội 2000, tr 16;

[2] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của ĐCS Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 49-50.

[3] Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đến năm 2010 của Việt Nam, tr. 69.

[4] Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946, CB-17-242

[5] Thời kỳ 1946-1956, thuật ngữ “người bị cáo” được sử dụng thấm nhuần tư tưởng nhân quyền và nguyên tắc suy đoán vô tội, khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, người bị can, bị cáo vẫn là “người” chưa bị coi là có tội.


                                                                                                            TS. Tạ Thị Minh Lý

                                                   Chủ tịch Hội Bảo tợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam

   

(Nguồn: hoibaotrotuphap)
CÁC TIN KHÁC:
Sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Bảo trợ tư pháp trong việc trợ giúp pháp lý miễn phí (9/1/2013)
Đồng hành thiết thực của các Doanh nghiệp trong các hoạt động của Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (9/1/2013)
Sự đồng hành của cơ quan truyền thông và báo chí trong bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam. (9/1/2013)
Tăng cường sự phối hợp chất lượng và hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật với Hội Bảo trợ tư pháp (9/1/2013)
Sự đồng hành của tổ chức luật sư với Hội Bảo trợ tư pháp trong công tác trợ giúp pháp lý (9/1/2013)
Hội nghị về phối hợp trong công tác Bảo trợ tư pháp (27/12/2012)
Quyết định thành lập trung tâm tư vấn cho người nghèo , người dân tộc và gia đình liệt sĩ khu vực MIền Trung-Tây nguyên (1/8/2012)
Thông báo về cuộc họp của hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (19/6/2012)
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (25/11/2011)
Đại hội lần thứ nhất Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (4/10/2011)
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ Hỗ trợ
Hỗ trợ quản trị website Hỗ trợ quản trị website
Văn phòng TƯ Hội Văn phòng TƯ Hội
Tuyển chọn tư vấn cho hoạt động 6.3.1.2
Hòa giải ở cơ sở: Cần sửa đổi để tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội
Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Đại hội lần 2 - Nhiệm kỳ 2017 - 2022
Thủ tục hưởng di sản thừa kế
Thủ tục xóa án tích sẽ bớt gian nan, phức tạp?
Danh bạ các trung tâm Trợ giúp pháp lý
danh ba luat su
Trong tai thuong mai viet nam
Hệ thống văn bản QPPL
mau van ban
sealaw
điểm tin
 
© 2010 - 2011 HỘI BẢO TRỢ TƯ PHÁP CHO NGƯỜI NGHÈO VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 20, Ngõ 80, Lê Trọng Tấn, Phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội - Hotline: 04.37154286
Điện thoại: 04.37154286 - Fax: 04.37154286 - Email: baotrotuphapvn@gmail.com
Thiết kế và lưu trữ bởi TTC Design