Những tình huống… khó đỡ!
Theo quy hoạch chi tiết phát triển hệ
thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, ngành hàng hải Việt Nam sẽ khởi
công xây dựng 10 cảng biển tổng hợp. Như vậy trung bình cứ 300km bờ biển
của nước ta sẽ có một cảng biển tổng hợp. Liệu có quá nhiều không,
trong khi các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp…, nhiều
nhất là Nhật Bản với gần 30 nghìn km bờ biển (gấp gần 10 lần Việt Nam)
cũng chỉ có 10 cảng biển.
Ngoài ra, con số tính toán chỉ ra Việt
Nam cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho việc xây dựng cảng biển. Vậy nguồn vốn
trên lấy ở đâu, giả sử nếu có vốn thì ngành hàng hải sẽ sử dụng nó một
cách hiệu quả hay không?
Một trường hợp khác: ngày 5/9/2007, Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg về việc chuyển Bệnh
viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trực thuộc Bộ Y tế. Theo đó, mọi
quyết định liên quan đến bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ… thuộc thẩm quyền
của Bộ Y tế.
Ngày 13/9 văn bản này mới đến UBND tỉnh
và ngày 17/9 mới đến Sở Y tế tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, trong thời gian
này, UBND tỉnh và Sở Y tế đã ban hành quyết định điều chuyển và bổ
nhiệm cán bộ liên quan đến bệnh viện. Tình huống này cần được giải quyết
thế nào dù quyết định của UBND tỉnh và Sở Y tế về mặt pháp lý là không
phù hợp với Quyết định 1163 nhưng khi ký quyết định, lãnh đạo tỉnh và Sở
Y tế chưa biết có văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên?
Đáng tiếc gần đây nhất là vụ chống người
thi hành công vụ và hủy hoại tài sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Một quyết
định giao đất cho người dân cách đây gần 20 năm trời nhưng sau 15-17 năm
phát hiện là sai, cần phải thu hồi nên gây ra những phản ứng tiêu cực
của người dân. QĐHC rõ ràng đã ban hành sai, song phải xử lý thế nào để
dân không bức xúc?
Rồi việc phê duyệt Dự án xây khách sạn
trong hồ Bảy Mẫu (Hà Nội), cơ quan chức năng đã cho phép rồi nhưng các
nhà chuyên môn, người dân góp ý mới thấy “không ổn”. Vấn đề ở đây là tại
sao không lấy ý kiến trước khi ban hành quyết định nhằm đạt được sự
đồng thuận?
Hay qua vụ cảng Kê Gà, có thể thấy cơ
quan Nhà nước rất ít thông tin để biết liệu khi ban hành QĐHC thì sẽ
mang lại lợi ích gì, hậu quả không mong muốn như thế nào, cách khắc phục
ra sao…?
Xây dựng luật “trói” quyết định hành chính
Lý giải qua lăng kính của chuyên gia
pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn
Thị Kim Thoa cho rằng, do pháp luật chưa có các quy định nhằm kiểm soát
một cách hiệu quả việc ban hành QĐHC trái pháp luật, thiếu khách quan,
không minh bạch nên dẫn đến phát sinh các tranh chấp, tiêu cực trên thực
tế.
Hàng loạt hạn chế của pháp luật về ban
hành QĐHC được bà Thoa chỉ ra là còn thiếu các quy định mang tính nguyên
tắc để có thể áp dụng cho tất cả các cơ quan hành chính khi ban hành
QĐHC; chưa quy định phải có sự tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan trong quá trình ban hành QĐHC; chưa có quy định mang
tính nguyên tắc về việc yêu cầu các cơ quan phải công bố QĐHC có liên
quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân…
Từ những bất cập nêu trên, tại Hội thảo
QĐHC và thủ tục hành chính trong pháp luật của Đức, Pháp và Việt Nam do
Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh,
pháp luật về QĐHC và thủ tục hành chính là một trong những nội dung hết
sức được chú trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Và
lĩnh vực này ở nước ta đang ngày một hoàn thiện để phục vụ nền hành
chính ngày càng hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Một trong những định hướng hoàn thiện
lớn là Luật Ban hành QĐHC đã được đưa vào chương trình xây dựng luật và
pháp lệnh của Quốc hội” – ông Hiếu nói.
Giới thiệu về pháp luật một số quốc gia
trên thế giới, các chuyên gia người Đức và Pháp cho biết, QĐHC được điều
chỉnh bởi Luật Thủ tục hành chính và Áo đã có đạo luật này từ năm 1925,
Hoa Kỳ vào năm 1946 và đến năm 1976, CHLB Đức là nước tiếp theo có Luật
Thủ tục hành chính.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật của
Đức, GS. Thomas Schmitz gợi ý, ngoài việc điều chỉnh các QĐHC và hành vi
hành chính, một đạo luật về thủ tục hành chính hiện đại nên có cả một
số quy định liên quan đến hoạt động hành chính thực tế cũng như các biện
pháp hành chính về bảo đảm thực hiện. |