Tư pháp – Công an phải cùng “vào cuộc”
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục
kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, ý kiến của các bộ, ngành về dự
thảo Đề án liên quan đến cấp số định danh cá nhân đều cơ bản nhất trí
với việc sử dụng số CMND 12 số do Bộ Công an đang thực hiện cấp thí điểm
làm số định danh cá nhân và cấp cho công dân từ khi đăng ký khai sinh,
đồng thời cũng cấp cho công dân sinh ra trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu
lực. Chỉ có một vấn đề mà các ý kiến còn băn khoăn là thời gian triển
khai cấp số định danh cá nhân cho gần 90 triệu dân đã đăng ký khai sinh
trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực được hoàn thành vào năm 2020 sẽ khó
khả thi trong bối cảnh hạ tầng, nhân lực hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Phan, thông tin từ
Bộ Công an cho biết, đến cuối năm 2016, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
đã có thể cung cấp điểm kết nối, giao tiếp với hệ thống thông tin của
ngành Tư pháp, Bảo hiểm y tế và Thuế; giai đoạn từ năm 2017 sẽ tiếp tục
cung cấp điểm giao tiếp với các ngành khác. Vì vậy, dự thảo Đề án đưa ra
mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ công dân Việt Nam đều có số định danh cá
nhân hoàn toàn thực hiện được.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó tổng cục
trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội,
Bộ Công an - đồng tình với đề xuất của Bộ Tư pháp về số định danh cá
nhân là số CMND 12 số và khẳng định số CMND mới sẽ được cấp cho mỗi
người dân, không ai trùng ai và thống nhất trong cả nước. Nhưng ông Vệ
đề xuất, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp hướng dẫn cụ thể địa
phương cấp như thế nào bởi “chúng ta đang làm thủ công, chuyển sang ứng
dụng công nghệ thông tin là cả một vấn đề, chứ phải cứ nói là làm ngay
được”. Ông Vệ cũng chia sẻ thêm, việc một số cơ quan báo chí “đẩy” lên
thành việc “hai Bộ giành nhau” rất gây bức xúc và khiến dư luận hiểu
nhầm.
Nghiên cứu kỹ để số định danh cá nhân mang tính ổn định cao
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguyễn Minh Hồng cũng hoan nghênh việc cấp số định danh cá nhân theo xu
hướng chung trên thế giới và đồng thời bày tỏ sự thống nhất với quan
điểm về việc cấp số này gồm 12 số. Có điều, theo ông Hồng, cần nghiên
cứu để tính toán cấu trúc, cách thức đánh số để có phương án tối ưu
nhất, chứa đựng nhiều thông tin nhất và mang tính ổn định lâu dài. Ngoài
ra, dự thảo Đề án cũng phải thể hiện được số CMND 12 số đang triển khai
cấp thí điểm là số định danh cá nhân vì “đến nay chưa có văn bản pháp
lý nào khẳng định điều này”
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Đề
án cần phải xác định là có thể giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho
người dân? Việc cấp số định danh công dân có cấp cho người Việt nam ở
nước ngoài không, có cấp cho người nước ngoài ở Việt Nam không? Các
ngành vẫn có nhiều loại giấy tờ riêng thì giải quyết như thế nào? Trách
nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện Đề án ra sao, nhất là Bộ
Công an, Bộ Tư pháp. Không những thế, kinh phí thực hiện Đề án mà Bộ
Công an đang xúc tiến vào khoảng 3.000 tỷ là rất lớn trong điều kiện
hiện nay, còn Đề án sẽ được bảo đảm kinh phí ra sao, liệu có thể ưu tiên
nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia không?...
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường khẳng định các Bộ, ngành đã đồng thuận cao về sự cần thiết ban
hành Đề án và đặc biệt vui mừng về số định danh Bộ Công an đang xây dựng
hoàn toàn phù hợp với Dự thảo Luật Hộ tịch đã trình Ủy ban Thường vụ
Quốc hội. Vấn đề quan trọng tiếp theo, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải rà
soát để xác định xem có thể đơn giản các giấy tờ nào cũng như sẽ phải
sửa đổi, bổ sung bao nhiêu văn bản. Riêng về số định danh cá nhân, Bộ
trưởng cho rằng nên xây dựng hai phương án cấp số định danh cá nhân, gồm
cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi (đã có thẻ bảo hiểm y tế rồi) hoặc cấp cho
trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, tránh thời gian quá độ kéo dài. |