Thảo
luận về Dự án luật này chiều 21/3, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội và của cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật tán thành với việc
bổ sung nghiêm cấm hai hành vi trên vì cho rằng đây là những hành vi phổ
biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú; việc bổ
sung hai hành vi này làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi trái
pháp luật về cư trú.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nội dung quy
định về hai hành vi bị nghiêm cấm này còn chưa rõ ràng, chẳng hạn, nội
dung của việc giả mạo điều kiện này để được đăng ký thường trú là gì?
Thế nào là cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi?
Có ý kiến cho rằng ngoài những hành vi nêu trên còn
có nhiều hành vi giả mạo khác như: giả mạo kết hôn, giả mạo họ hàng thân
thích, giả mạo giấy tờ tuyển dụng… để đăng ký thường trú. Vì vậy, Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về các hành vi bị
nghiêm cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, đầy đủ bao quát
của các quy định này trong thực tiễn.
Về quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là
nơi đang tạm trú”, các ý kiến thảo luận cho rằng quy định này có thể dẫn
đến những hạn chế quyền của người dân. Nếu thực hiện, người thuê nhà và
đăng ký tạm trú tại một quận nhưng sau đó mua nhà ở một quận khác thì
vẫn phải tiến hành đăng ký tạm trú, sau đó mới có quyền tiến hành đăng
ký thường trú tại ngôi nhà mà mình mới mua.
Mặt khác, quy định như dự thảo Luật dễ dẫn đến cách
hiểu là để được đăng ký thường trú thì thời hạn tạm trú tại một chỗ ở
phải từ 2 năm trở lên. Quy định như vậy là không phù hợp, vì việc ở nhờ,
mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào
các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở
cũng như phụ thuộc vào điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt.
Như vậy, nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào
nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại nội
thành thành phố trực thuộc trung ương nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều
kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố đó do phải thay đổi chỗ ở
nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú đủ tới 2 năm.
Do đó, các ý kiến của UBTVQH cũng như của Uỷ ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này.