Tội nặng mà xử nhẹ hều
Chưa xác định đúng nhân thân của bị cáo
là một trong những "lỗi" mà Tòa án thường gặp phải khi cho hưởng án treo
không đúng. Đơn cử là vụ Bùi Công Huân ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Bị cáo này là lái xe ôtô tải, bị xét xử về tội vi phạm quy định về điều
khiển phương tiện giao thông đường bộ.Theo truy tố của VKS cùng cấp, khi
đi đến đoạn đường thuộc xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), bị cáo đã chạy xe
vượt sai quy định, đụng phải một chiếc xe máy làm một người chết, một
người bị thương. Xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa phạt Huân một năm tù
nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, theo VKSND tỉnh Phú Yên, tai
nạn xảy ra lỗi hoàn toàn do bị cáo. Bị cáo có nhân thân xấu, từng ba lần
bị xử phạt hành chính: Một lần bị Công an tỉnh Phú Yên phạt 300 ngàn
đồng về hành vi điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định. Lần
khác, bị Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) phạt 300 ngàn đồng cũng vì vi
phạm trên. Một lần nữa, bị cáo lại bị Công an huyện Đông Hòa (Phú Yên)
phạt 150 ngàn đồng về hành vi điều khiển xe thải mùi hôi thối vào không
khí.
Do đó, việc tòa sơ thẩm chỉ phạt bị cáo
một năm tù treo là trái quy định tại Điều 60 BLHS và Nghị quyết số 01
ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Theo đó, tòa chỉ cho
người bị xử phạt tù hưởng án treo nếu ngoài những tình tiết giảm nhẹ,
họ còn có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này luôn
chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của
công dân, chưa có tiền án, tiền sự...
Vì những lý do này, VKSND tỉnh Phú Yên
đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa, đề nghị
TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo Bùi Công Huân
được hưởng án treo.
Một vụ án khác cũng được đánh giá xử
treo không đúng pháp luật. Đó là vụ án Hoàng Văn Thảo, Hoàng Duy Hợp, Đỗ
Văn Tú cùng các cổ động viên lợi dụng việc cổ vũ bóng đá để vi phạm
pháp luật. Sự việc này xảy ra sau trận đấu bóng đá giữa hai đội Thể Công
và Xi măng Hải Phòng trên sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).
Khi Xi măng Hải Phòng thua, một số cổ
động viên đã có nhiều hành vi gây rối, cao trào là đánh cả Cảnh sát giao
thông đang làm nhiệm vụ gây thương tích. Ngoài ra các đối tượng này còn
đập vỡ yếm, đồng hồ công tơ mét, mặt nạ xe của Cảnh sát giao thông,
dùng đá ném hỏng cột đèn tín hiệu giao thông....gây tổng thiệt hại trên
29 triệu đồng.
Như vậy các bị cáo đã phạm nhiều tình
tiết tăng nặng định khung theo quy định của BLHS. Hành vi phạm tội diễn
ra trong thời gian dài, ở nhiều địa điểm khác nhau, gây thiệt hại tài
sản...Tuy nhiên, Hoàng Văn Thảo và Hoàng Duy Hợp hai đối tượng giữ vai
trò chính chỉ bị cấp sơ thẩm xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
về hai tội "Gây rối trật tự công cộng" và "hủy hoại tài sản".
"Khung rộng", xử bao nhiêu do Tòa?
Tuy nhiên, bên cạnh những vụ xử quá nhẹ,
còn nhiều vụ lẽ ra được treo nhưng Tòa lại không cho treo. Đó là những
vụ không xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng tình tiết tăng nặng
không đúng, không xét lỗi của bị hại...TANDTC chỉ ra rằng, cũng do nhận
thức án treo là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù mà có nhiều
trường hợp Tòa án "quên mất" việc áp dụng các loại hình phạt khác nhẹ
hơn hình phạt tù được quy định tại Điều 28 BLHS như cảnh cáo, phạt tiền
(là hình phạt chính), cải tạo không giam giữ, trục xuất.
Đó là chưa kể có nhiều vụ quan điểm của
các ngành rất khác nhau, thậm chí là quan điểm giữa Tòa cấp trên và Tòa
cấp dưới. TAND cấp huyện xử mức án rất cao nhưng lên đến TAND phúc thẩm
cấp tỉnh lại xử mức án thấp. Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình
Phạm Xuân Thường dẫn chứng: "Có những vụ TAND cấp huyện xử 6,5 năm tù
giam nhưng lên đến TAND cấp tỉnh không thay đổi tội danh nhưng giảm
xuống còn 3 năm tù cho hưởng án treo".
Thậm chí, theo ông Thường, xét xử của
các tòa án trong cùng một địa phương cũng rất khác nhau ví dụ có tòa án
huyện xử chỉ áp dụng 10% án treo, nhưng có những tòa án huyện áp dụng
trên 50% án treo. Cùng trong một tòa án có những phiên tòa mà vụ án này
và vụ án sau hai vụ tương đồng nhưng áp dụng hình phạt cũng rất khác
nhau. Do đó, theo ông Thường "cần hướng dẫn đường lối xử lý các vụ án
này".
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, hoàn
thiện chính sách pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, kiên quyết tạm
dừng tái bổ nhiệm đối với các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn
1,16% trên tống số vụ án đã xét xử.)...là những giải pháp được ngành
Tòa án đưa ra để khắc phục tình trạng "cho treo vô tội vạ". Quyết tâm
thì có thừa nhưng vấn đề mà dư luận nhìn vào là thực tế làm được đến
đâu.../. |