Khẳng định vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương
Tại Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban
Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong điều kiện nền kinh tế của đất nước
còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp thì bảo hiểm xã hội (BHXH)
và bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách lớn, trụ cột của Đảng và Nhà
nước để thực hiện an sinh xã hội.
Sau hơn 50 năm thực hiện BHXH và 20 năm thực hiện
BHYT, Quỹ BHXH được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham
gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ BHYT bước đầu đã
cân đối được thu chi và có kết dư. Hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam được
hình thành và phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các
chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Tuy nhiên diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng
20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân
số. Quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng
doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều. Quỹ BHXH, nhất là quỹ
hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Quỹ BHYT
luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và
thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người
bệnh; năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ giám định y tế còn yếu.
Để khắc phục những hạn chế và đáp ứng yêu cầu sự phát
triển của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-
2020.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực
lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm
thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm
cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm
cân đối Quỹ bảo BHYT.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đều khẳng
định sự cần thiết ban hành Nghị quyết số 21 nhằm làm cơ sở cho sự phát
triển hiệu quả, bền vững kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc
thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết đặt ra là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi
toàn hệ thống chính trị phải có các giải pháp tích cực để thực hiện.
Lãnh đạo các bộ, ngành và BHXH đều cho rằng vai trò
chỉ đạo, thực hiện chính sách BHXH, BHYT của cấp uỷ, chính quyền địa
phương sẽ là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 21
đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng
Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đề nghị các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần
đưa chỉ tiêu phát triển BHXH và BHYT vào trong kế hoạch, chỉ tiêu phát
triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tăng cường chỉ đạo cơ quan chức
năng như thuế, kế hoạch- đầu tư, lao động thương binh và xã hội, liên
đoàn lao động phối hợp thực hiện tốt chính sách bảo hiểm.
Đại diện cấp uỷ, UBND một số tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương cũng cho biết đã xây dựng, ban hành các mục tiêu,
chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.
Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành
địa phương xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT an toàn,
hiệu quả; nghiên cứu việc đóng BHXH phải phù hợp với thực tế để người
lao động khi về hưu đảm bảo được cuộc sống, khuyến khích người dân có
cuộc sống dưới mức trung bình tham gia BHYT, có chế tài xử lý nghiêm
khắc đối với hành vi trốn đóng BHXH…
Rà soát để sửa đổi bất cập về chính sách BHXH, BHYT
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành: Y tế, LĐTBXH, BHXH đã nêu kế hoạch thực hiện và phối hợp triển khai Nghị quyết số 21.
Theo đó, ngành LĐTBXH đang tính giải pháp cân đối quỹ
BHXH trong dài hạn, trong đó có giải pháp điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu ở
một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế,
xã hội, điều chỉnh tính lương hưu phù hợp, nâng cao quản lý quỹ BHXH;
đổi mới phương thức để tạo thuận tiện cho người dân tham gia BHXH, tăng
cường phối hợp giữa các cơ quan để thanh tra công tác thực hiện pháp
luật, thực hiện nghiêm chế tài xử phạt với các hành vi trốn đóng BHXH…
Bộ Y tế cũng đang xây dựng và và hoàn thiện Luật sửa
đổi bổ sung Luật BHYT trình Quốc hội vào năm 2014; thành lập Ban chỉ đạo
ở Trung ương và địa phương để huy động các nguồn lực triển khai lộ
trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2020. Bên cạnh đó, việc nâng cao
chất lượng khám chữa bệnh là yêu cầu đã và đang được ngành y triển khai
quyết liệt nhằm thu hút sự tham gia của nhân dân vào dịch vụ BHYT.
Ngành Y tế đang thực hiện từng bước đổi mới cơ chế
cấp ngân sách nhà nước gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế,
theo đó chuyển hình thức cấp ngân sách cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang
trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng y tế do nhà nước cấp qua BHYT; triển
khai hướng dẫn Nghị định 85 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế
tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh với các cơ sở khám chữa bệnh công
lập để người tham gia dịch vụ y tế hưởng dịch vụ tốt hơn, xứng với giá
tiền bỏ ra.
Bên cạnh đó, việc ban hành thông tư quản lý giá thuốc
đã bước đầu mang lại hiệu quả khi giá đấu thầu thuốc đã bắt đầu giảm,
mỗi bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 40 - 50 tỷ đồng/năm tiền giá
thuốc đã tạo thuận lợi cho Quỹ BHYT, giảm bớt chi phí của người dân khi
khám chữa bệnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đề
nghị các Bộ, ngành tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 21 đến các cấp uỷ,
đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và mỗi người dân về lợi ích thiết
thực khi tham gia BHXH, BHYT.
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban
cán sự Đảng Chính phủ rà soát các bất cập của các quy định pháp luật về
BHXH, BHYT để sửa đổi, đồng thời nghiên cứu các chế tài đủ sức răn đe
với các hành vi trốn đóng BHXH hay lợi dụng chính sách để trục lợi từ
BHXH, BHYT.
Các cơ quan BHXH tiếp tục nâng cao năng lực, trình
độ, phẩm chất đạo đức trong mỗi cán bộ, nhân viên, đổi mới phương thức
chi trả nhanh chóng, kịp thời cho người thụ hưởng, đồng thời quản lý
chặt chẽ đối tượng tham gia đóng quỹ để không xảy ra tham nhũng, tiêu
cực.