Ly hôn “miệng” vì ngại đến Tòa án
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia
đình năm và các văn bản hướng dẫn thi hành, kể cả trong trường hợp hai
bên thuận tình ly hôn thì họ vẫn phải đến UBND cấp xã, phường để xin xác
nhận rồi đến tòa án để tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ. Nếu đáp ứng
đủ các điều kiện cần thiết thì tòa án mới ra quyết định công nhận ly hôn
mà không phải mở phiên tòa.
Nhiều người đã bước qua cánh cửa ly hôn
tâm sự, khi tình yêu đã hết, mục đích hôn nhân không đạt được, điều họ
ngại nhất chính là đối diện với tòa án. Chị T. ở quận 1, thành phố Hồ
Chí Minh cho biết, trước kia, hai vợ chồng chị lấy nhau 5 năm mà không
có con, anh chị thuận tình ly hôn. Nhưng vì ngại đến tòa án làm thủ tục
ly hôn, anh chị thuận tình ly hôn “miệng”, đường ai nấy đi. Bẵng đi một
thời gian, khi chị đã có một gia đình mới yên ấm, có con trai con gái
đuề huề thì người chồng cũ trở về, chìa giấy kết hôn ra đòi quyền làm
chồng. Chị tâm sự, giá như ngày trước chị không “ngại” thì giờ đã không
rơi vào mớ bòng bong này.
Anh H và chị M lại là công nhân làm
chung một khu công nghiệp, yêu và kết hôn chỉ sau 5 tháng quen biết.
Sống với nhau mới nảy sinh mâu thuẫn, anh đề nghị chị ly hôn bằng cách …
“xé” Giấy đăng ký kết hôn, khỏi phải đến tòa án cho “ đỡ tốn thời gian,
phiền phức”!. Ban đầu chị cũng định phải đến tòa án làm thủ tục ly hôn
cho rõ ràng, nhưng vì bận công việc, lại ngại đến tòa án, chị tặc lưỡi
đồng ý. Giờ có người khác đến tìm hiểu, muốn tiến tới hôn nhân, chị
hoang mang không biết việc chị và anh H “ly hôn” như vậy có được công
nhận không, chị có quyền đi lấy chồng mới không?
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn,
đường đến tòa án huyện xa xôi, người dân nghèo thường có tâm lý ngại đến
chốn pháp đình. Nhiều cặp vợ chồng thuận tình ly hôn bằng cách tự thỏa
thuận “đường ai nấy đi” mà không biết rằng nhiều hệ lụy đang chờ trước
mặt.
Thủ tục giải quyết việc thuận tình ly
hôn đơn giản hơn, đỡ nặng nề hơn thực sự là giải pháp thanh thản cho
những cuộc hôn nhân chẳng may đứt gánh giữa đường.
Có thể chọn cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án?
Nếu việc thuận tình ly hôn được thực
hiện tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch thì nơi đăng ký kết
hôn cũng là nơi người dân có thể tìm đến để đăng ký ly hôn. Cán bộ hộ
tịch là người thụ lý và chủ tịch UBND cấp xã sẽ là người ra quyết định
công nhận thuận tình ly hôn cho người dân sống trong xã, phường, thị
trấn.
Ông Lê Ngọc Văn, Viện Gia đình và giới,
Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, sửa luật lần này nên đơn giản
hóa thủ tục thuận tình ly hôn. Nếu 2 người thuận tình, không có tranh
chấp về tài sản, con cái thì chỉ cần ra xã, phường giải quyết là được,
không nhất thiết yêu cầu người dân phải đến tòa án, thủ tục rườm rà quá
đôi khi lại ảnh hưởng đến cả 2 bên.
Ủng hộ phương án này, ông Phạm Xuân
Phương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Việc giải quyết các
trường hợp thuận tình ly hôn tại cơ quan hành chính đã được nhiều nước
áp dụng. Chẳng hạn, tại Đài Loan chẳng hạn, nếu thuận tình ly hôn thì
hai người chỉ cần ra xã trưởng. Chính quyền cấp xã đồng ý cho hai người
ly hôn và ghi luôn vào sổ hộ tịch là xong”.
Cũng theo ông Phạm Xuân Phương, đã đến
lúc hành chính hóa với các trường hợp thuận tình ly hôn, không nên nặng
nề rằng tất cả mọi việc đều phải ra tòa. “Đây sẽ là một bước đột phá
hành chính rất lớn bởi việc giải quyết tại cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ
đơn giản hơn rất nhiều so với giải quyết tại tòa án” – ông Phương nhận
định.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch kiêm
Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam và luật sư Nguyễn Chiến, Phó
chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đều đồng tình với phương án này và cho
rằng đó là một quy định rất tiến bộ. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Chiến đề
xuất nên để các trường hợp thuận tình ly hôn có quyền lựa chọn Cơ quan
đăng ký hộ tịch hoặc tòa án để đề phòng các trường hợp tranh chấp phát
sinh sau ly hôn.
Cũng lo ngại các tranh chấp phát sinh
hậu ly hôn, ông Tưởng Duy Lượng, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao
đặt câu hỏi ai sẽ là người thi hành các quyết định ly hôn đó. Mặc dù
hoan nghênh đề xuất giải quyết việc thuận tình ly hôn bằng con đường
hành chính sẽ giảm áp lực quá tải cho các tòa án nhưng ông Tưởng Duy
Lượng lo ngại với trình độ của cán bộ cấp xã hiện nay, “Nếu hai người
thỏa thuận chưa rõ mà chính quyền vẫn công nhận rồi sau này xảy ra tranh
chấp thì giải quyết thế nào?”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà
Hùng Cường nhận định: đề xuất giải quyết ly hôn thuận tình tại cơ quan
đăng ký hộ tịch là vấn đề mới đối với Việt Nam nhưng nhiều nước trên thế
giới đã có kinh nghiệm thực hiện. Đương nhiên, với trình độ cán bộ cấp
xã như hiện nay thì lo ngại của Phó chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng
không phải là không có cơ sở. “Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta cũng
đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, dự thảo Luật Hộ
tịch chuẩn bị báo cáo Chính phủ cũng có hướng có chức danh hộ tịch viên
riêng thì đề xuất giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn tại cơ
quan đăng ký hộ tịch là một phương án giảm quá tải rất nhiều cho ngành
tòa án”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết Ban soạn thảo dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình sẽ cân nhắc
thêm các điều kiện cụ thể đối với đề xuất này.