Hiến pháp (HP) 1992 được ban hành trong
bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội
IV của Đảng (1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan
trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện HP
1992, đất nước đã đạt được những thành to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đến nay, đất nước đã có có nhiều thay
đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc
và phức tạp nên Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ I đã quyết định sửa
đổi HP 1992 để “bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây
dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm
tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây
dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.
Chia sẻ kinh nghiệm lập hiến của Mỹ tại
Hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ quốc hội) và Khoa
Luật (Đại học Chicago, Mỹ) tổ chức tháng 12/2012 ở Hà Nội, GS.Thomas
Ginsburg (Khoa Luật – Đại học Chicago, Mỹ) cho rằng, “để 1 bản HP “thọ
lâu”, có khả năng thích nghi với sự thay đổi xung quanh, tạo môi trường
quản trị nhà nước ổn định thì một trong những yêu cầu là HP phải “mang
tính đại diện” nghĩa là “lôi kéo, tăng cường được sự tham gia của người
dân” vào quá trình lập hiến, sửa đổi, bổ sung HP, cũng như sự quản trị
nhà nước và đóng góp vào tiến trình dân chủ”.
Lấy ý kiến nhân dân vào việc soạn thảo,
sửa đổi, bổ sung HP cũng đang là xu hướng chung trên thế giới. GS.Thomas
Ginsburg cho biết, lấy ý kiến nhân dân có thể được thực hiện qua việc
trưng cầu dân ý về nội dung HP, làm cơ sở để các chuyên gia dự thảo rồi
lại đưa dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân trước khi được ban hành. Như vậy,
người dân sẽ được tham gia vào nội dung và việc ban hành HP như một
“kênh” để thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ quyền con người.
Ở Việt Nam, Ủy ban dự thảo sửa đổi HP
năm 1992 chủ trì, phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban TƯ MTTQ
Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân
dân về dự thảo sửa đổi HP 1992 đến 31/3 theo Nghị quyết 38/2012/QH13. Dự
thảo lần 1 về sửa đổi HP 1992 đã được trình để QH khóa XIII cho ý kiến
tại kỳ họp thứ 4 và đã được tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý trước khi công
bố rộng rãi để lấy ý kiến tất cả các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở lấy ý kiến của nhân dân và
các đại biểu QH, Ủy ban dự thảo sửa đổi HP 1992 sẽ tập hợp, tổng hợp đầy
đủ, giải trình, tiếp thu nghiêm túc và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi HP 1992
trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và tiếp tục hoàn
thiện trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) theo đúng kế
hoạch, tạo động lực mới cho Việt Nam trong quá trình phát triển mới. |