10 bất cập chính
Qua 8 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình
sự (BLTTHS), theo Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai,
có 10 bất cập chủ yếu; trong đó còn thiếu các cơ chế để bảo đảm quyền
của những người tham gia tố tụng, nhất là bảo đảm quyền bào chữa của
người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Việc tham gia tố tụng của người bào chữa chưa được quy định cụ thể kể cả về quyền và nghĩa vụ.
Vẫn còn những hoạt động tố tụng chưa bị
ràng buộc bởi thời hạn, dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong thực tiễn; một
số thủ tục thời hạn tố tụng cũng quá chặt chẽ, gây áp lực đối với các cơ
quan tiến hành tố tụng.
Bỏ thẩm quyền khởi tố của Tòa án?
Một trong những kiến nghị sửa đổi, theo
Phó Viện trưởng Hoàng Nghĩa Mai, là Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét
xử, không buộc tội bị cáo. Trách nhiệm của Tòa án là kiểm tra sự thật
thông qua việc tranh tụng của các bên chứ không phải tự mình đi tìm sự
thật thông qua việc xét hỏi. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các
bên tranh tụng tại phiên tòa, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đầy đủ của
các bên, ra phán quyết trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa. Để thể chế
hóa yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, VKSNDTC đề
nghị chỉ sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của VKS trong
tranh luận. Đặc biệt, VKSNDTC đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của
Tòa án để tăng cường tính khách quan của quá trình giải quyết vụ án.
Mở rộng diện những người bào chữa
Liên quan đến hoàn thiện chế định những
người tham gia tố tụng, VKSNDTC đề nghị sửa đổi các quy định để đảm bảo
tốt quyền bào chữa của bên bị buộc tội theo hướng mở rộng diện những
người bào chữa.
Ngoài những đối tượng được quy định
trong BLTTHS, bổ sung trợ giúp viên pháp lý và những người thân thích
của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có khả năng bào chữa.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy
chứng nhận bào chữa và tham gia bào chữa; quy định rõ trách nhiệm của
người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm để người bào chữa tiếp cận
được với quá trình giải quyết vụ án; quy định rõ trách nhiệm của người
bào chữa khi tham gia tố tụng và các biện pháp chế tài áp dụng đối với
người này khi vi phạm quy định của pháp luật.
Liên quan đến các biện pháp ngăn chặn,
theo VKSNDTC, đề nghị hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam với một số loại
tội mà BLHS quy định hình phạt tiền là hình phạt chủ yếu; các tội phạm
do lỗi vô ý; một số tội thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý
kinh tế, trật tự công cộng và quản lý hành chính, môi trường. Đồng thời,
sửa đổi để phát huy hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn thay thế cho
biện pháp tạm giam.
Cụ thể, sửa biện pháp bảo lĩnh theo
hướng chỉ chấp nhận cá nhân đứng ra bảo lĩnh, không quy định tổ chức
đứng ra nhận bảo lĩnh; sửa đổi biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá
trị bảo đảm theo hướng chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản
để nhanh chóng áp dụng biện pháp này, giảm các thủ tục phiền hà… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
"Yêu cầu của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp sẽ ngày càng cao; các
cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ
công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp
luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm
và mọi vi phạm pháp luật.
Đối với việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, phải tạo lập hệ thống
các thủ tục dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ". |