Giảm văn bản hướng dẫn
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Vũ Đức Đam, một tiến bộ đáng ghi nhận là các văn bản quy định
chi tiết được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tính
hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật;
giảm bớt số lượng văn bản phải ban hành; tiến độ xây dựng, ban hành văn
bản được đẩy nhanh hơn, số văn bản nợ đọng giảm mạnh.
"Nếu như trước tháng 6/2009 trung bình
một luật, pháp lệnh phải ban hành 11 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ quy định chi tiết, thì đến nay trung bình một luật, pháp lệnh
phải ban hành 3,6 văn bản (giảm 3 lần) - ông Vũ Đức Đam cho biết thêm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đam, hạn chế
trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chưa giải quyết
triệt để và vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật,
pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tính đến ngày 15/10/2012 còn nợ
đọng 24 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp
luật. Đáng lưu ý, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Đo lường và Luật Cơ
yếu đã có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này còn tới 10 văn bản quy định
chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành
Một hạn chế khác cũng được Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thắng thắn chỉ ra đó là vẫn còn tình trạng
ban hành thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp
lệnh, đặc biệt là thông tư liên tịch, chưa có chuyển biến rõ rệt, tiến
độ ban hành còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí có tình trạng ban
hành văn bản trái với văn bản cấp trên.
Có 8 nhóm giải pháp được đưa ra nhằm đẩy
nhạnh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hạn chế nợ đọng văn bản, trong đó có
việc đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ
trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của
Luật ban hành VBQPPL; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Chỉ rõ địa chỉ, dễ quy trách nhiệm
Dẫn nhiều luật vẫn còn "nợ" văn bản
hướng dẫn (như Luật các tổ chức tín dụng, Luật an toàn thực phẩm, Luật
khám chữa bệnh...), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nói
thẳng: “Qua thống kê thì thấy so với cách đây 5 năm, số văn bản nợ cũng
nhiều tương đương".
Đáp lại ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: "Không nên nói bây giờ cũng
như 5 năm trước đây. Vì trước đây thống kê cả những luật chưa có hiệu
lực". Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết có nhiều luật khá phức
tạp, nhiều văn bản hướng dẫn có nội dung rất chuyên sâu, quá trình xây
dựng, thông qua luật mới nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều nội dung đưa ra
Quốc hội chỉnh lý tiếp thu khác hẳn so với ban đầu nên hướng dẫn cũng
phải làm lại hoàn toàn.
Trước câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải
Phòng), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc văn bản chậm ban hành,
thời gian trễ Chính phủ sẽ điều hành ra sao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà
Hùng Cường nói rõ hơn: “Luật ban hành VBQPPL có hiệu lực từ 1/1/2009 đã
quy định rõ nội dung không phải hướng dẫn thì áp dụng trực tiếp. Chính
phủ điều hành theo quy định trực tiếp của luật, pháp lệnh mà không phải
chờ hướng dẫn, còn nếu ban hành chậm thì sẽ hồi tố, để văn bản hướng dẫn
có hiệu lực cùng ngày có hiệu lực của luật, pháp lệnh, bảo đảm chế độ
chính sách cho người dân”.
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về
vấn đề chậm cấp phát kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, Thứ
trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, có thể chậm do nhiều nguyên
nhân và khuyến khích “Bộ ngành cần đề xuất kịp thời”.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ
tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ đọng văn bản.
Cơ bản đồng tình với các giải pháp của Chính phủ nhưng theo Phó Chủ
tịch “phải đưa ra các giải pháp hữu hiệu và rõ trách nhiệm từng Bộ
trưởng, từng cơ quan”.
Đối với các văn bản “vượt quá” quy định
của luật, pháp lệnh, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ
của pháp luật Phó chủ tịch cũng yêu cầu “phải làm rõ trách nhiệm từ
khâu soạn thảo, thẩm định hay thông qua”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:
"Nhiều vấn đề khi quy định chi tiết chưa được xã hội đồng tình thì
cần tuyên truyền thuyết phục. Nhưng các cơ quan của Chính phủ cũng cần
căn cứ vào ý kiến phản hồi của nhân dân để xem xét nghiêm túc văn bản
ban hành ra có đúng không. Nếu sai thì phải sửa; nếu chưa đủ cụ thể thì
phải hướng dẫn; nếu tổ chức thực hiện sai thì phải nhận và điều chỉnh
lại cho đúng." |