Những vụ án "cười ra nước mắt”
Một vụ việc được các chấp hành viên Thi
hành án Bắc Kạn nhớ như in là vụ án về một con trâu lạc. Tòa xử cho bên
được thi hành án quyền ”sử dụng trâu” trong khi con trâu vẫn do bên bị
thi hành án trông giữ.
Lẽ ra trong vụ này, Tòa phải tuyên trả
trâu về cho chủ cũ khi nó bị thất lạc (tức trao quyền sở hữu) nhưng Tòa
lại tuyên sử dụng. Cứ mùa vụ đến hay lúc cần trâu kéo hàng, người chủ
trâu lại khổ sở đến mượn trâu trong khi trâu là của mình. Người giữ trâu
gây khó dễ không muốn cho trâu về thế là họ lại đến ”đòi” chấp hành
viên. Vụ án này lừng khừng mất nhiều năm trời.
Tương tự, là vụ án bị cáo Đ.N.L ở Tây
Hòa, Phú Yên. Tháng 1/2011, trong khi lái xe do không làm chủ tốc độ bị
cáo đã làm một người chết. Tại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Tây Hòa đã
tuyên phạt L. một năm tù treo, cấm bị cáo hành nghề lái xe ô tô một năm.
Ngay sau đó, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị phúc thẩm về hình phạt bổ
sung.
Theo HĐXX, căn cứ Điều 36 BLHS thì cấm
hành nghề phải định rõ thời gian bắt đầu và thời hạn cấm kể từ ngày chấp
hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Vì
vậy, việc tòa án cấp sơ thẩm cấm bị cáo hành nghề lái xe ô tô một năm
nhưng không ghi rõ thời điểm bắt đầu là vi phạm, gây khó khăn cho việc
thi hành án. Do đó, cần chấp nhận kháng nghị của VKS.
TAND tỉnh Phú Yên khi xét xử phúc thẩm,
chấp nhận kháng nghị, tuyên phạt bị cáo L. một năm tù treo về tội vi
phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đồng thời
cấm bị cáo hành nghề lái xe ô tô một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực
pháp luật.
Một vụ án khác tréo ngoe không kém khiến
cơ quan Thi hành án dở khóc dở cười đó là một vụ án ở Tp. Hồ Chí Minh.
Sau khi xử tù bị cáo phạm tội cướp giật (chiếc dây chuyền vàng của một
phụ nữ đi trên phố), Tòa tuyên trả lại cho bị hại. Lẽ ra phải tuyên
chiếc dây chuyền đó là loại gì, trọng lượng bao nhiêu thì tòa lại tuyên
trả... một gói niêm phong. Vì không ai biết trong cái gói đó có phải dây
chuyền không, đùn qua đẩy lại nhiều lần cuối cùng thi hành án phải mời
các ban ngành đến chứng kiến mở niêm phong.
Đừng để ”sai một ly, đi một dặm”
Báo cáo công tác năm 2012 của Bộ Tư pháp
về công tác Thi hành án dân sự nếu rõ, sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với
Tòa án nhân dân tối cao trong công tác thi hành án dân sự cũng ngày càng
đạt hiệu quả tốt hơn, nhất là việc chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân
và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương rà soát, giải thích các nội
dung án tuyên không rõ hoặc khó thi hành.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp chỉ rõ ”vẫn tồn
tại các vụ việc án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành”. Theo kết
quả rà soát, thống kê của các cơ quan Thi hành án dân sự, số vụ việc mà
bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót là 1.198 việc,
tương ứng với số tiền 196 tỷ 172 triệu 299 nghìn đồng. Đây cũng là một
trong những nguyên nhân góp phần làm án tồn đọng.
Theo quy định, khi Tòa tuyên không rõ,
thi hành án làm văn bản đề nghị Tòa trả lời, nhưng có một thực tế là
nhiều vụ Tòa không trả lời hoặc trả lời chậm, trả lời nhưng không đáp
ứng yêu cầu gây khó khăn cho công tác thi hành án. Có vụ, thi hành án
phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần vẫn không thi hành được. Về nguyên tắc,
giải thích chỉ là vấn đề về kỹ thuật làm cho án rõ hơn chứ nếu đã có
”vấn đề” sai sót về nội dung thì không thể giải thích.
Do vậy, để các bản án, giai đoạn cuối
cùng của quá trình tố tụng được thi hành trên thực tế, cần nhất là khâu
điều tra xác minh của Tòa phải đảm bảo chính xác. Khi tuyên án cần thận
trọng, tỷ mỷ đến từng chi tiết nhỏ nhất, bởi chỉ ”sai một ly, đi một
dặm”. Trong trường hợp thi hành án hỏi, Tòa án cần phối hợp, giải thích
trên tinh thần thẳng thắn. Nếu thực sự thấy bản án có vấn đề về nội
dung, thi hành án cũng không nên ngần ngại kiến nghị kháng nghị để sửa
sai.
Tính đến hết 2012, trong số 1.198 việc các cơ quan Thi
hành án dân sự đã đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải thích, đã
có 460 việc nhận được giải thích của Tòa án; 106 việc tuy đã nhận được
giải thích, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; còn 380 việc chưa nhận được giải
thích của Tòa án có thẩm quyền. |