Giáo dục, thuyết phục để giảm cưỡng chế trong THADS
Trong công tác THADS ở địa phương, một
vấn đề gây “đau đầu” là làm sao giải quyết có hiệu quả các vụ án phức
tạp, kéo dài. Vì vậy, sáng kiến tăng cường công tác giáo dục thuyết phục
đối tượng phải thi hành án tự nguyện thi hành được áp dụng tại Cục
THADS TP.Hải Phòng đã góp phần giải quyết xong nhiều vụ việc phức tạp,
kéo dài từ khi chưa có Luật THADS, giảm khiếu nại tố cáo, giảm án tồn
đọng.
Đây là sáng kiến của Phó trưởng phòng
Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án (Cục THADS TP.Hải Phòng) Bùi Đức Tiến.
Theo đó, tăng cường công tác giáo dục thuyết phục, kiên quyết áp dụng
biện pháp cưỡng chế khi giáo dục, thuyết phục không hiệu quả; tăng cường
công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi cưỡng chế để tranh thủ sự
ủng hộ của nhân dân kết hợp với giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật
về THADS của các đối tượng phải thi hành án khác.
Đặc biệt, sáng kiến xây dựng Quy chế thi
đua – khen thưởng của Phó Chánh văn phòng Cục THADS tỉnh Yên Bái Nguyễn
Thị Minh Hải đã được Cục trưởng ban hành và đưa vào thực hiện. Sau một
thời gian triển khai, điểm nổi bật của Quy chế là xây dựng mẫu báo cáo
tháng.
Việc áp dụng mẫu báo cáo giúp cho đơn vị
giảm tải được việc viết báo cáo, thuận lợi cho việc theo dõi, tổng hợp
số liệu thông qua các phụ lục, đồng thời giúp cho lãnh đạo Cục, các
phòng chuyên môn thuộc Cục nắm bắt được toàn bộ hoạt động liên quan đến
công tác tổ chức thi hành án hàng tháng, đáp ứng được yêu cầu cung cấp
số liệu phục vụ cho việc xây dựng các loại báo cáo đột xuất theo yêu cầu
của Tổng cục THADS, địa phương.
Giúp sinh viên yêu thích môn luật
Đối với khối các đơn vị thuộc Bộ thì
sáng kiến xây dựng tình huống trong giảng dạy môn học Luật Hành chính
của Phó trưởng bộ môn Luật Hành chính (Trường Đại học Luật Hà Nội)
Nguyễn Thị Thủy được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao.
Sáng kiến này ứng dụng trong giảng dạy
môn học Luật Hành chính bằng phương pháp giảng dạy lý thuyết và giờ thảo
luận bằng tình huống cụ thể. Tuy chỉ áp dụng trong phạm vi tại Trường
nhưng sáng kiến đã giúp sinh viên hiểu được vai trò của Luật Hành chính
trong thực tiễn cũng như yêu thích, say mê học để có thể có kiến thức và
vận dụng Luật Hành chính thành thạo trong cuộc sống.
Sáng kiến hoàn thiện cơ chế rà soát, hệ
thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ((VBQPPL) của Cục trưởng Cục Kiểm
tra VBQPPL Lê Hồng Sơn cũng đã phát huy tác dụng khi mà các VBQPPL hiện
hành của cơ quan cấp trên chưa có những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng về
công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, phàn nào giúp cho các cán bộ làm
công tác này đỡ lúng túng trong quá trình thực hiện. Không những thế,
trên cơ sở sáng kiến, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp (đơn vị được Bộ
trưởng giao là Cục Kiểm tra VBQPPL) chủ trì xây dựng Nghị định về rà
soát, hệ thống hóa VBQPPL…
Các sáng kiến trên cùng với hơn 50 sáng
kiến khác của các cá nhân đang công tác tại khối các đơn vị thuộc Bộ,
khối Sở Tư pháp và khối cơ quan THADS thực sự là những giải pháp đột
phá, mang lại hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của Bộ,
ngành Tư pháp. Hôm qua – 3/12, tất cả sáng kiến được báo cáo với Hội
đồng khoa học, sáng kiến ngành Tư pháp.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch – Thứ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, Hội đồng khoa học, sáng kiến ngành Tư
pháp cơ bản nhất trí công nhận phần lớn các sáng kiến này, làm cơ sở
xét, đề nghị quyết định tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp”
năm 2012 cho các cá nhân. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cũng lưu ý
cần tiếp tục hướng dẫn các cá nhân làm rõ nội dung và hiệu quả của sáng
kiến để thực sự “thuyết phục” được Hội đồng thi đua – khen thưởng ngành
Tư pháp. |