Đến nay, Hội Bảo trợ tư pháp cho người
nghèo Việt Nam đã thành lập được 6 trung tâm thuộc Hội. Trong thời gian
tới, Hội sẽ vận động và thu hút luật sư, tư vấn viên pháp lý để thành
lập thêm một số trung tâm ở một số khu vực, nơi có nhiều người nghèo để
tham gia giải đáp vướng mắc pháp luật.
Thời gian qua, Hội đã hoạt động rất tích
cực, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác trợ giúp pháp lý cho nhiều
đối tượng; thu hút đông đảo các luật sư, luật gia, đặc biệt là các DN
tham gia, hỗ trợ một cách thiết thực, dưới nhiều hình thức vào các hoạt
động cụ thể như giải quyết các vụ việc vướng mắc về pháp lý, tư pháp;
bảo trợ tư pháp miễn phí cho các đối tượng tại tại cơ quan điều tra,
viện kiểm sát, tòa án; trợ giúp pháp lý tại nhiều địa bàn khu dân cư;
tham gia tư vấn pháp luật, lồng ghép hoạt động với các phiên tòa lưu
động; phối hợp nâng cao nhận thức về pháp luật, về bảo trợ tư pháp… cho
rất nhiều đối tượng như người nghèo, người có công với cách mạng, các
nạn nhân mua bán người, bạo hành, người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng
xa, trẻ em nghèo lang thang…
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc nhận định: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm
đến công tác giúp đỡ pháp luật cho người dân, đặc biệt là trợ giúp pháp
lý cho người nghèo, đối tượng có công, đồng bào dân tộc thiểu số…
Tuy toàn quốc hiện có khoảng 6.700 luật
sư nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, chưa phát triển đến các
vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Tổ chức tư vấn pháp luật của các
tổ chức xã hội cũng mới chỉ hình thành ở một số địa phương, chủ yếu dựa
vào lực lượng của ngành tư pháp.
“Do đó, hoạt động giúp đỡ pháp luật cho
người dân nói chung và cho người nghèo nói riêng vẫn là vấn đề thiết
thực, cấp bách mà Nhà nước và xã hội cần phải quan tâm”, Phó Thủ tướng
nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường về
số lượng và chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí; có sự hỗ trợ, hợp tác
thiết thực, phù hợp của các cơ quan, tổ chức, DN; tăng cường bồi dưỡng,
nâng cao năng lực hội viên về kỹ năng, nghiệp vụ, nhất là hình thành đạo
đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng
Nguyễn Thúy Hiền cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thứ trưởng khẳng định: Bộ Tư pháp đã phối hợp
chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phượng, trung ương, các tổ chức đoàn thể
xã hội triển khai thực hiện khá tốt chính sách trợ giúp pháp lý miễn
phí cho người nghèo và các đối tượng khác. Trong thời gian tới, Bộ Tư
pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của công tác này để ngày càng có
nhiều người dân được dễ dàng tiếp cận với công lý. |