Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí
Với tính tự nguyện trên cơ sở dựa vào uy
tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình của hòa giải viên (HGV), hoạt động
HGƠCS được những người “hoạt động không vì lợi ích vật chất mà vì lợi
ích chung của cộng đồng, sẵn sàng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Từ
thực tế đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo cần
xác định luôn “Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động HGƠCS” và cùng với
việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hỗ
trợ sẽ giúp cho công tác HGƠCS phát triển và phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Thị Hiền (tỉnh Hà
Nam) kiến nghị phải có chính sách hỗ trợ đối với HGV để động viên và ghi
nhận sự đóng góp của các HGV nếu trong quá trình hòa giải họ gặp các
rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc thậm chí thiệt mạng trong quá trình
hòa giải các mâu thuẫn, xung đột.
Nhưng cho rằng, HGV tâm huyết với công
tác HGƠCS là vì “tình làng nghĩa xóm”, ngăn chặn việc "bé xé ra to" dẫn
đến hậu quả khôn lường chứ không phải vì khoản tiền bồi dưỡng, ĐB Thúy
thấy không nên đặt ra chế độ thù lao hay tiền bồi dưỡng cho HGV vì “sẽ
làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của công tác này và đồng thời dễ gây hiểu lầm
cho các bên tranh chấp là dịch vụ hòa giải dẫn đến việc hạn chế việc mà
các bên tranh chấp yêu cầu hòa giải”.
Tiêu chuẩn về HGV cần linh hoạt
Từ quan điểm, “hòa giải là sự thuyết
phục dàn xếp chứ không phải là phán xét hay xét xử” nên nhiều ĐBQH nhất
trí, HGV “phải là người có uy tín, có kỹ năng vận động thuyết phục am
hiểu tập quán địa phương, tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, chứ không
bắt buộc phải là người có hiểu biết pháp luật” để thu hút nhiều người
tham gia hoạt động hòa giải, nhất là những người có uy tín trong cộng
đồng dân.
ĐB Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) lo ngại,
“nếu quy định HGV là người có hiểu biết về pháp luật thì cũng rất khó
xác định được hiểu biết ở mức độ nào và trình độ nào. Không phải cơ sở
nào cũng lựa chọn được những người đáp ứng được tiêu chuẩn về hiểu biết
pháp luật”.
Trong khi đó, với công tác HGƠCS, điều
quan trọng là HGV phải hoạt động tự nguyện, phụ thuộc vào uy tín, khả
năng thuyết phục vì nhiều trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải
quyết là do các bên có mâu thuẫn, tranh chấp nghe lời hoặc nể những
người đứng ra để dàn xếp hòa giải. Vì thế, “quy định tiêu chuẩn của HGV
cần phải linh hoạt và không cần có những tiêu chuẩn cụ thể để phát huy
tối đa lực lượng xã hội tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở” – ĐB Thủy
nhấn mạnh.
Tuy tán thành phân tích của ĐB Thủy, ĐB
Lưu Thị Huyền (tỉnh Ninh Bình) vẫn tán thành tiêu chuẩn “HGV phải có
hiểu biết pháp luật”. ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
cũng nhận thấy, quy định tiêu chuẩn “có hiểu biết về pháp luật” là cần
thiết vì ngoài đạo đức, uy tín thì trên cơ sở hiểu biết pháp luật HGV có
thể giải thích, tuyên truyền, thuyết phục sẽ có hiệu quả cao hơn.
“Trong cái tình cần phải có cái lý, nếu chúng ta giải quyết hợp lý thì
nó sẽ nâng cao cái tình lên vừa có tình, vừa có lý nên hiểu biết về pháp
luật là cần thiết” - ĐB này khẳng định.
Tổ HGƠCS là mô hình phù hợp với thực tiễn
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ là
không xây dựng mô hình tổ chức hòa giải hai cấp vì ban hòa giải cấp xã
không phải là tổ chức của quần chúng ở cơ sở, ĐB Lưu Thị Huyền khẳng
định, thực tế tổ HGƠCS là mô hình phù hợp với thực tiễn vì các HGV của
tổ là những người sống cùng thôn, xóm, có mối quan hệ láng giềng hoặc có
quan hệ huyết thống, ràng buộc với nhau một cách bền chặt.
Ngược lại, ĐB Hồ Thị Thủy đề nghị cần mở
rộng cả ban hòa giải hoặc hội đồng hòa giải ở cấp xã. Vì thực tế qua
báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Pháp lệnh hiện hành có đến 23 tỉnh
thành, ngoài việc thành lập các tổ hòa giải còn có ban hòa giải hoặc hội
đồng hòa giải ở cấp xã và phần nào đã phát huy được hiệu quả trong việc
hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp mà tổ hòa giải không hòa giải được
chuyển lên hoặc trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp phức tạp và
các mâu thuẫn liên quan đến nhiều thôn, xóm, cộng đồng dân cư …
ĐB Nông Thị Lâm (tỉnh Lạng Sơn) thấy
hiệu quả hoạt động hòa giải ở ban hòa giải hoặc hội đồng hòa giải, UBND
của các phường, xã rất cao vì “ở các phường, xã người dân người ta tin
tưởng hơn khi có những người có khả năng để thuyết phục cao, có hiểu
biết về pháp luật”. Nên “nếu chúng ta duy trì được hoạt động này thì
cũng sẽ giảm bớt áp lực cho đến tòa án hay các cơ quan thẩm quyền khác” –
là nhận định của ĐB tỉnh Lạng Sơn này.
Phát huy lực lượng có uy tín để xã hội hóa
Nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành với chủ
trương “Nhà nước ghi nhận khuyến khích hỗ trợ hòa giải thông qua những
người có uy tín trong gia đình, trong dòng họ, trong xã hội” như một
cách thức đặc thù để huy động mọi thành viên xã hội tích cực tham gia
HGƠCS.
ĐB Đào Thị Xuân Lan (tỉnh Hưng Yên) đồng
tình với quan điểm “không nên hành chính hóa, không nên để nhà nước can
thiệp sâu vào lĩnh vực HGƠCS, nhưng vẫn phải để nhà nước giữ vai trò
quản lý chung đối với các hoạt động này để tạo hành lang pháp lý cho
việc hỗ trợ các cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí, nâng cao chất
lượng, hiệu quả cho công tác HGƠCS” như dự thảo Luật.
Còn ĐB Nông Thị Lâm (tỉnh Lạng Sơn) nhấn
mạnh, để xã hội hóa trong hoạt động HGƠCS cần phát huy được tất cả các
lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động HGƠCS. Vì thế, ĐB Lâm kiến nghị
bổ sung yếu tố tự quản bên cạnh yếu tố tự nguyện của hoạt động HGƠCS
trong dự thảo Luật. |