Hủy đám hỏi, được đòi lại lễ vật?
Trong 6 vấn đề cần xin ý kiến Hội đồng
khoa học Bộ (gồm: về quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký
kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; về áp dụng phong tục, tập
quán (PTTQ) trong các quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ); về xác
lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận; ly thân; mang thai
hộ; giới tính trong kết hôn) thì vấn đề được nhiều thành viên Hội đồng
thảo luận là việc áp dụng PTTQ về HN&GĐ.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế
Dương Đăng Huệ cho biết, Luật HN&GĐ hiện hành có quy định tôn trọng
và phát huy những PTTQ thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái
với những nguyên tắc của Luật. Quy định này là cần thiết nhưng chưa nêu
được nguyên tắc áp dụng PTTQ trong giải quyết các vụ việc về HN&GĐ,
dẫn đến có tình trạng lạm dụng hoặc đi ngược lại tâm tư, nguyện vọng của
cộng đồng dân cư nơi có PTTQ.
Chẳng hạn, phong tục “hủy đám hỏi, đòi
lại lễ vật”. Theo PTTQ của người Việt Nam, trước khi tổ chức đám cưới và
đăng ký kết hôn cho đôi trai gái thì gia đình bên nhà trai phải mang
sính lễ đến nhà cô gái (có thể là vàng, tiền mặt, mâm quả trà rượu…) để
làm lễ hỏi.
Có trường hợp, trong thời gian chuẩn bị
đám cưới, gia đình hai bên phát sinh mâu thuẫn dẫn tới gia đình nhà trai
tuyên bố hủy hôn, đồng thời làm đơn kiện ra Tòa án yêu cầu nhà gái phải
trả lại toàn bộ lễ vật mà nhà trai đã đưa cho nhà gái. Trên thực tế, có
sự không thống nhất về áp dụng pháp luật, Tòa có thể chấp nhận yêu cầu
của nguyên đơn buộc gia đình bên cô gái phải hoàn trả đầy đủ lễ vật,
song cũng có thể tuyên bố bác yêu cầu của nhà trai và việc tuyên bác như
vậy là chưa xét đến PTTQ của địa phương.
Vì vậy, Luật HN&GĐ sửa đổi dự kiến
sẽ quy định cụ thể về việc áp dụng PTTQ trong giải quyết các vụ việc về
HN&GĐ theo các nguyên tắc sau: Trong trường hợp pháp luật không quy
định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán về
HN&GĐ; Trong trường hợp đã có quy định của pháp luật, nhưng các bên
lại thực hiện các quyền, nghĩa vụ về HN&GĐ theo tập quán thì việc áp
dụng tập quán đó có thể được công nhận; Tập quán khi được áp dụng không
được trái với các nguyên tắc của chế độ HN&GĐ Việt Nam được quy
định trong Luật HN&GĐ.
Đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng
tán thành với đề xuất nên có quy định về việc áp dụng PTTQ khi giải
quyết các vụ việc về HN&GĐ nhưng đề nghị cần làm rõ khái niệm về
PTTQ. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng
đồng tình là cần quy định việc áp dụng PTTQ, đồng thời yêu cầu phải rà
soát để hướng dẫn cụ thể những PTTQ được phép áp dụng.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học
Luật Hà Nội Phan Chí Hiếu lại băn khoăn với quy định “có thể áp dụng tập
quán về HN&GĐ” vì nếu pháp luật quy định thì buộc phải áp dụng pháp
luật, còn nếu pháp luật không quy định thì mới áp dụng PTTQ với điều
kiện PTTQ ấy không trái quy định của pháp luật, không vi phạm thuần
phong, mỹ tục.
Ly thân làm khó ly hôn?
Cũng theo ông Huệ, ở nước ta hiện nay ly
thân đang là hiện tượng không kém phần phổ biến, làm phát sinh nhiều
hậu quả về nhân thân, tài sản và con, song chưa được pháp luật HN&GĐ
quy định nên cần nghiên cứu bổ sung chế định ly thân vào Dự thảo Luật
sửa đổi. Theo đó, ly thân được áp dụng khi có yêu cầu của một bên hoặc
cả hai vợ chồng, chế định về ly thân bao gồm các nội dung về căn cứ ly
thân, thời hạn ly thân, hậu quả pháp lý của ly thân, thẩm quyền giải
quyết ly thân.
Đề xuất này có tính đến pháp luật về gia
đình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 (Luật Gia đình năm 1959,
Sắc luật 15/64 về dân sự, Bộ Dân luật năm 1972) đã quy định về chế định
ly thân. Năm 2000, vấn đề ly thân được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ
sung Luật HN&GĐ năm 1986 nhưng chưa được Quốc hội chấp nhận.
Một số thành viên Hội đồng cho rằng
không nên quy định chế định ly thân mà nên để hai bên tự quyết định.
PGS-TS. Bùi Đăng Hiếu (Trường Đại học Luật Hà Nội) và Phó Tổng biên tập
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Đặng Vũ Huân đồng quan điểm, nếu ly thân
cũng phải ra Tòa thì phức tạp quá, “ly hôn cho xong” hoặc sau khi Tòa
tuyên ly thân và hai bên muốn quay lại thì lại phải có quyết định của
Tòa). Nhưng ông Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng lại cho rằng
nên có chế định ly thân, chỉ có điều không công nhận ly thân là căn cứ
để xem xét ly hôn.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường nhấn mạnh, 6 vấn đề cần lấy ý kiến của Hội đồng khoa học Bộ đều
không phải là những vấn đề xa lạ và các thành viên đã nêu lên nhiều vấn
đề xác đáng, bổ ích, quan trọng là tới đây phải giải trình, lập luận như
thế nào trong Dự thảo Luật HN&GĐ sửa đổi.
|