Một số nguyên tắc bình đẳng giới quan trọng bị bỏ qua
Tiến bộ về bình đẳng giới là một yêu cầu
bắt buộc để Việt Nam đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ,
trong đó có mục tiêu số 3 là tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng
lực cho phụ nữ, mà Việt Nam cùng với 188 quốc gia khác đã nhất trí thông
qua tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc vào năm
2000. Những mục tiêu này đảm bảo mọi việc chính phủ tiến hành đều nhằm
đáp ứng nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội và lợi ích chung sẽ được
phân phối công bằng cho cả nam giới và phụ nữ.
Cụm từ “bình đẳng nam - nữ” đã được đưa
vào Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946. Và trong vòng mười năm trở lại đây,
từ Nghị quyết 23 của Đảng (3/2003) thì ba chữ “bình đẳng giới” đã được
đưa vào thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta thấy nguyên nhân sâu xa của bất
bình đẳng giới đã làm chậm lại quá trình đạt tới những mục tiêu bình
đẳng giới mà Chính phủ đã đề ra; cản trở nỗ lực xây dựng xã hội mà ở đó
cả nam giới và phụ nữ đều được hưởng lợi từ những thành tựu của sự phát
triển.
Hơn ai hết, những người làm công tác phụ
nữ, là người thấm thía hơn cả hậu quả của tình trạng bất bình đẳng giới
trong việc phụ nữ tiếp cận và hưởng lợi từ các quyền, nguồn lực…, cũng
như những sự bất cập của luật pháp trong vấn đề này, để từ đó, có những
đóng góp xác đáng cho công cuộc toàn dân góp ý kiến cho dự thảo Hiến
pháp sửa đổi, bổ sung đang được tiến hành.
Theo quan điểm của Ths. Hà Thanh Vân -
Phó Ban Chính sách Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, nhìn tổng thể, dự
thảo Hiến pháp tiếp tục thể hiện các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
trong các Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52), Điều 27 (sửa đổi, bổ sung
Điều 63) và một số quy định khác trong chương quy định về quyền con
người và quyền công dân. Tuy nhiên, từ góc độ bảo đảm bình đẳng giới, có
3 khía cạnh cần được quan tâm thể hiện thêm trong các quy định của dự
thảo Hiến pháp.
Đó là về cơ hội bình đẳng của nam, nữ
trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, dự
thảo cần bổ sung vào Điều 15 quy định về vai trò và trách nhiệm của các
chủ thể tạo ra cơ hội và bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong mối liên
hệ với quyền con người, quyền công dân. Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều
63) mặc dù đã được thiết kế theo hướng ngắn gọn, nhưng mới thể hiện được
khía cạnh bình quyền, chưa đảm bảo được sự tiến bộ và còn có xu hướng
lùi khi bỏ qua một số nguyên tắc bình đẳng quan trọng.
Bà Vân đề nghị, ngoài quy định “Nghiêm
cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới” đã thiết kế, thì nên sửa lại
điều này theo 3 khoản sau: Công dân nam, nữ bình đẳng về quyền và cơ hội
tham gia, đóng góp, hưởng thành quả lao động trong các lĩnh vực dân sự,
chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và gia đình; Lao động nam, nữ làm
công việc có tính chất hoặc giá trị ngang nhau thì tiền lương, tiền công
và chế độ bảo hiểm xã hội như nhau; Công dân nam, nữ có trách nhiệm
chia sẻ, hỗ trợ nhau trong gia đình, tại nơi làm việc, học tập, lao động
và các hoạt động xã hội khác.
Theo bà Vân, quy định như vậy nhằm khẳng
định nguyên tắc bình đẳng không chỉ về quyền (khía cạnh pháp luật) mà
còn bình đẳng cả về cơ hội (khía cạnh thực tế) cho cả nam và nữ trong
tất cả các lĩnh vực, làm cơ sở để cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm
pháp luật chuyên ngành; bảo đảm phù hợp với các Công ước Liên Hợp Quốc
và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động mà nước ta là thành viên;
và khẳng định nguyên tắc hợp tác, chia sẻ của công dân bảo đảm để gánh
nặng công việc không dồn lên một người, bảo đảm mỗi người đều có điều
kiện thực hiện đầy đủ quyền con người và quyền công dân của mình
Phụ nữ cần được “chăm mầm” ngay từ khi là bé gái
Về đặc thù giới tính nữ trong mối tương
quan với các vấn đề của quốc gia, cộng đồng xã hội và gia đình, theo
Ths. Hà Thanh Vân - Phó Ban Chính sách Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam,
do sự khác biệt về giới tính sinh học nên nam, nữ (trẻ em trai, gái) có
nhiều điểm khác nhau trong việc thực hiện và hưởng lợi ích từ quyền con
người và quyền công dân của mình.
Thực tế đã chứng minh nếu những vấn đề
của nam, nữ không được quan tâm một cách hợp lý theo hướng bảo đảm hài
hòa cả quyền và cơ hội cho mỗi người phù hợp với giới tính sinh học sẽ
có nguy cơ tạo nên khoảng cách mà bất lợi thường nghiêng về phụ nữ và
trẻ em gái. Mặt khác, về tự nhiên, trẻ em gái sẽ là phụ nữ trong tương
lai.
Từ đó, trên cơ sở Điều 40, Điều 63 hiện
hành, các khía cạnh khoa học về giới và các vấn đề thực tiễn, đề nghị bổ
sung thêm 1 Điều gồm 4 khoản: Phụ nữ có vị trí, vai trò quan trọng đặc
biệt trong tái tạo nguồn nhân lực, có quyền hưởng chế độ thai sản phù
hợp với lao động thực tế; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ
hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt quyền,
trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ; Gia đình có trách
nhiệm giáo dục thành viên chia sẻ công việc và bảo đảm để phụ nữ thực
hiện làm mẹ an toàn; Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo
cơ hội và hỗ trợ điều kiện để trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm
thực hiện tốt vị trí, vai trò của phụ nữ trong tương lai.
Quy định như vậy nhằm khẳng định sự khác
biệt về chức năng sinh sản không thể viện dẫn để đưa ra bất cứ sự so
sánh nào giữa nam và nữ trên thực tế và khẳng định quyền bảo đảm sinh
sản an toàn của phụ nữ; bảo đảm kết quả thực hiện quyền, trách nhiệm và
nghĩa vụ công dân của phụ nữ như nam giới; bảo đảm giảm bớt gánh nặng
công việc cho phụ nữ và bảo đảm cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt thiên
chức làm mẹ; và bảo đảm sự phát triển toàn diện và mang tính tự thân
nhân quả là: Nhà nước, xã hội và gia đình muốn có một công dân khỏe
mạnh, thông minh thì cần có một bà mẹ khoẻ mạnh,có kiến thức và năng
lực; muốn có một bà mẹ hội tụ đủ những yếu tố cần thiết cho con khỏe
mạnh, thông minh thì họ cần được chăm sóc, giáo dục tốt từ khi còn là
trẻ em gái – bà Vân nhấn mạnh. |