Tăng cường năng lực phản ứng chính sách
Với hiệu ứng “tác động tích cực đến quản
lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ
năm 2012”, “có nhiều đóng góp quan trọng cho xây dựng đất nước, ngày
càng nâng cao vai trò, vị trí của công tác tư pháp”… như nhận xét của
đại diện các địa phương, Bộ, ngành tham dự Hội nghị, kết quả công tác tư
pháp năm 2012 được đánh giá cao và được coi là “cơ sở để có những thành
tựu mới trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo”.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp
Hoàng Thế Liên, năm 2013 ngành Tư pháp phải tập trung hoàn thành tốt các
nhiệm vụ trong việc sửa đổi Hiến pháp, thực hiện đúng tiến độ và đảm
bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, khắc phục triệt để tình trạng
nợ đọng các văn bản, tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định văn bản,
coi kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với
việc tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật là một
trong những giải pháp tích cực nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính
sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh
doanh hoặc đời sống người dân; tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát
thủ tục hành chính, bảo đảm việc cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa
chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các
luật liên quan đến hoạt động của ngành; phấn đấu đạt tỷ lệ cao trong
công tác thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nguồn
nhân lực tư pháp và pháp luật…
Những kết quả đó cũng được Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tích cực. Trân trọng những ý kiến
đánh giá, chỉ đạo thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng đến ngành, Bộ
trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Những đánh giá của Thủ tướng là sự cổ
vũ, động viên, khích lệ ngành cố gắng nhiều hơn nữa để phát huy thành
tích đã đạt được và kiên quyết khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém để
đạt những thành tựu, chuyển biến cơ bản trong năm 2013 và những năm tiếp
theo”.
Bộ trưởng cũng lưu ý, toàn ngành cần
quán triệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để đề ra những giải pháp khả
thi, đột phá, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giúp Chính phủ, Bộ, ngành, địa
phương hoàn thiện, tổ chức thi hành, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của
thể chế, nâng cao năng lực phản ứng của thể chế, nhanh nhạy và khắc phục
kịp thời những bất cập của thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo
vệ quyền công dân và quyền con người.
Luôn ý thức rằng những kết quả đạt được
chỉ là bước đầu trong khi yêu cầu, thách thức và cơ hội đối với ngành và
công tác tư pháp là rất lớn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Ngành
Tư pháp sẽ nỗ lực xây dựng, củng cố đội ngũ, trau dồi đạo đức, chuyên
môn, nghiệp vụ… để không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả
công tác, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đối
với ngành”.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị |
Không thể thiếu sự phối, kết hợp của Bộ, ngành, địa phương
Tuy nhiên, cùng với việc ngành Tư pháp
chủ động bám sát yêu cầu phát triển địa phương thì chính sự phối kết hợp
của các Bộ, ngành, những nỗ lực của các địa phương đã làm “khởi sắc”
cho công tác tư pháp. Với tư duy “công tác tư pháp là việc của cấp ủy,
chính quyền địa phương”, thay mặt ngành Tư pháp, đáp từ những ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn tiếp tục
“nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội,
Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, sự cộng đồng trách
nhiệm, hợp tác chặt chẽ của địa phương để công tác tư pháp gần hơn với
dân, cần hơn cho dân và thân thiện hơn với dân”.
Đứng trước vận hội, thời cơ và thách
thức của năm 2013, ngành Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan
tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp để triển khai hiệu quả
công tác tư pháp, pháp chế và phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của các
cơ quan tư pháp, pháp chế trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền
địa phương, lãnh đạo các Bộ, ngành trong xây dựng thể chế, quản lý, chỉ
đạo, điều hành theo pháp luật các lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, cùng ngành Tư pháp giải quyết
những vấn đề nan giải do hạn chế của lực lượng cán bộ, bằng các giải
pháp cụ thể, như bố trí đủ biên chế cho công tác tư pháp ở cơ sở, nhất
là đối với những nhiệm vụ mới được giao. Ở cấp xã, không để xảy ra tình
trạng cán bộ tư pháp – hộ tịch phải kiêm nhiệm công tác khác, tăng cường
bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho đội
ngũ này. Quan tâm phối hợp và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với công
tác thi hành án, thực hiện việc thí điểm chế định Thừa phát lại và bố
trí, hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phát triển ổn định, bền
vững, bảo đảm hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. |