Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2013:
Thứ nhất, tập trung hoàn thành tốt chỉ
thị của Bộ Chính trị về lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp sửa
đổi, lấy ý kiến của các địa phương về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đồng
thời, tiếp tục tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện
hệ thống pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường;
khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Thứ hai, tập trung thực hiện tốt công
tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả gắn kết
giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh việc kiểm tra
văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành và địa phương.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải
cách thủ tục hành chính. Đây là nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp, cần tập
trung chỉ đạo. Chú trọng nguồn lực xây dựng hai đề án quan trọng là Đề
án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công
dân và cơ sở dữ liệu về dân cư, và Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính
về đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, chuẩn bị thật tốt các điều kiện
để đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống. Phải xây dựng và
hoàn thành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong nửa đầu năm
2013, trong đó đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý, đồng
bộ của các dự thảo văn bản.
Thứ năm, quan tâm hơn, quyết liệt hơn
trong chỉ đạo công tác THADS; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thứ sáu, triển khai một cách thực chất
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm
bố trí cán bộ, thời gian và kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt công tác
này vì phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc
nâng cao ý thức pháp luật.
Thứ bảy, tăng cường hiệu quả quản lý nhà
nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, công chứng, luật
sư, giám định tư pháp...
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Thứ tám, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, cán bộ có chức danh tư pháp và cán bộ tư pháp cơ sở.
Thứ chín, tiếp tục thực hiện một cách
đồng bộ các đạo luật Quốc hội mới ban hành trong lĩnh vực hành chính tư
pháp, đầu tư thích đáng cho việc thực hiện có hiệu quả pháp luật về hộ
tịch, chứng thực.
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp sau đây:
Lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương
cần coi công tác tư pháp, pháp chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của
các cấp, ngành, địa phương, chứ phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Tư pháp;
tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong
việc lãnh đạo.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng,
kiện toàn tổ chức bộ máy và quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực làm
công tác tư pháp, pháp chế. Xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách ưu
đãi và các giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ những người làm
công tác này.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các
cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ
tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chấn chỉnh lề
lối làm việc văn minh, văn hóa, bảo đảm kỷ luật hành chính và đặc biệt
cần thực hiện tốt Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức,
viên chức ngành Tư pháp.
Về một số kiến nghị và tổ chức thực hiện:
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị
định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư
pháp, giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương
tổ chức rà soát và đề xuất giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy
và nhân lực làm công tác tư pháp, pháp chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định; tập trung nghiên cứu các kiến nghị của địa phương,
tổ chức thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt trong năm 2013.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các
Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm cơ chế kiểm soát tập trung
việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch trong những lĩnh vực trực
tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, trình Chính phủ
xem xét, quyết định.
Giao Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ khẩn trương
ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức biên chế của các tổ
chức pháp chế. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn
phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ký ban hành
Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho những người làm công
tác pháp chế.
Giao Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng,
trình Chính phủ ban hành các nghị định thay thế Nghị định số
13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan
chuyên môn thuộc các UBND cấp tỉnh, cấp huyện; phối hợp với Bộ Tư pháp
ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số
01/2009/TTLT-BTP-BNV.
Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư
pháp nghiên cứu, nâng mức kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của công
tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật và các lĩnh vực khác mà luật, nghị định đã quy định.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
nghiên cứu, đề xuất việc bố trí ngân sách thực hiện Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 22/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020.
Yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên cơ
sở số biên chế được giao, cần quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách cho
các cơ quan tư pháp địa phương để thực hiện một số lĩnh vực, nhiệm vụ
mới được giao; chấm dứt việc lấy chức danh Tư pháp – Hộ tịch cấp xã để
bố trí cán bộ các lĩnh vực khác.
Về tổ chức thực hiện, đề nghị Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bám sát các nhiệm vụ trọng
tâm công tác tư pháp năm 2013, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của
bộ, ngành, địa phương mình để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù
hợp, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp,
pháp chế, tạo chuyển biến cơ bản, đồng bộ trong cả nước như ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ. |