Theo UBND TP.HCM, tình trạng khiếu nại đông người liên
quan đến đất đai ở TP thời gian qua đã giảm. Thời gian gần đây có một số
vụ việc mới phát sinh như dự án chung cư 289 Trần Hưng Đạo, dự án Khu
công nghệ cao, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, dự án khu
đô thị Sing - Việt... UBND TP đã chỉ đạo tập trung giải quyết nên không
tạo ra điểm nóng và không gây phức tạp tình hình trật tự xã hội.
Phần lớn khiếu nại về giá bồi thường
Từ năm 2004-2011, UBND TP.HCM đã ban hành hơn 31.000
quyết định hành chính trong quản lý đất đai, trong đó có hơn 5.000 quyết
định bị khiếu nại, tố cáo. Hiện có hơn 3.700 hộ dân khiếu nại, tố cáo
liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ông Đào Anh
Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết phần lớn khiếu nại
của người dân liên quan đến giá bồi thường, nhất là đối với đất nông
nghiệp. Khung giá đất nông nghiệp do Chính phủ quy định hiện nay quá
thấp. Mặc dù TP đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ có lợi nhất cho người
bị thu hồi đất nhưng tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho một mét vuông
đất nông nghiệp bị thu hồi vẫn không làm người dân thỏa mãn. Theo cách
tính giá đất của nghị định 84 năm 2007, đất nông nghiệp chỉ có giá từ
200.000-250.000 đồng/m2,
thấp hơn rất nhiều lần so với giá đất người dân chuyển
nhượng bên ngoài. Trong khi đó, giá đất do các chủ đầu tư dự án kinh
doanh thỏa thuận chuyển nhượng của người dân từ 1,2-2 triệu đồng/m2, trường hợp cá biệt lên đến 8 triệu đồng/m2. Vì vậy, người dân khiếu nại tại sao Nhà nước không bồi thường đất nông nghiệp theo giá thị trường.
Một bất hợp lý nữa là trong quá trình thu hồi đất ở,
nếu giá đất thời điểm bồi thường thực tế tăng nhiều so với giá đất thời
điểm ban hành giá bồi thường thì có tính trượt giá nhưng đất nông nghiệp
không được tính trượt giá. “Địa phương thấy những điều đó là không hợp
lý nhưng không thể vượt quá quy định” - ông Kiệt phát biểu.
Chú trọng đời sống người dân sau tái định cư
Để giảm khiếu nại, tố cáo về bồi thường giải phóng mặt
bằng, bà Trần Thị Thu Hà - chủ tịch UBND quận Bình Thạnh - chia sẻ: phải
có nhà, nền đất tái định cư cho người dân trước khi di dời. Mặt khác,
công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải thật sự minh bạch, không để
xảy ra tiêu cực nhằm tạo lòng tin trong dân. Người dân an tâm về đời
sống sau khi di dời, tin tưởng cơ quan nhà nước thì sẽ sớm đồng ý giao
nhà đất, giảm khiếu nại, tố cáo.
UBND TP.HCM kiến nghị cần quy định rõ dự án nào Nhà
nước sẽ thu hồi đất. Cụ thể, Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án sử
dụng vốn ngân sách (không kể mục đích), dự án xã hội hóa về hạ tầng kỹ
thuật - hạ tầng xã hội, dự án chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông
thôn, dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài, dự án đô thị quy mô lớn được
Chính phủ cho phép. Các dự án khác thì chủ đầu tư phải tự thỏa thuận
chuyển nhượng đất của người dân.
Ngoài ra, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư phải chặt chẽ, xây dựng kế hoạch quản lý hậu di dời, chú trọng
điều tra khảo sát tình hình nhà ở, điều kiện sống, nguyện vọng tái định
cư của người dân trước khi di dời. Sau khi thu hồi đất, Nhà nước cần
theo dõi 2-3 năm đời sống thực tế của người dân tái định cư về điều kiện
việc làm, thu nhập, học văn hóa, học nghề, tiếp cận dịch vụ y tế... để
hỗ trợ kịp thời.
Chính phủ nên bỏ khung giá đất, tạo điều kiện cho UBND
cấp tỉnh có thể ban hành giá nhà đất sát với giá thị trường bình quân
của mỗi khu vực và sử dụng giá này làm giá bồi thường giải phóng mặt
bằng cho tất cả dự án. Bảng giá đất ổn định trong vòng ba năm. Khi giá
nhà đất có biến động lớn mà chưa đến chu kỳ ban hành bảng giá mới thì
giá bồi thường nhân thêm hệ số k cho phù hợp. |