Quy định trái luật
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc
khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhập cư có
hoàn cảnh khó khăn. Tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009, của Ban Bí
thư Trung ương về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” nêu
rõ: Các cơ quan chức năng phải tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các
chính sách về BHYT, phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và
chuẩn bị lộ trình tiến đến BHYT toàn dân trong những năm tiếp theo.
Về mặt pháp lý, tại Khoản 2, Điều 17,
Luật BHYT đã quy định rõ: Địa phương nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6
tuổi là UBND phường, xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ. Các địa phương trên
có trách nhiệm lập danh sách và đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi
cư trú tại địa bàn.
Trong khi đó tại Điều 1, Luật Cư trú
cũng đã xác định: "Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm
thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú". Như
vậy, với các quy định pháp luật này có thể hiểu rằng, địa phương nơi trẻ
tạm trú vẫn phải có nghĩa vụ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các
cháu.
Ngoài ra, theo bà Lưu Thị Thanh Huyền,
Phó Giám đốc BHXH TP, Thông tư Liên tịch số 09/2009 của Bộ Y tế và Bộ
Tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT đã xác định: Nguồn kinh phí từ
ngân sách nhà nước dùng để đóng phí BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là thuộc
ngân sách địa phương. Con số hơn 400.000 thẻ BHYT mà BHXH TPHCM đã cấp
cho trẻ là căn cứ trên danh sách đề nghị cấp thẻ do Sở LĐ-TB&XH TP
chuyển qua.
Trong đó, có cả trẻ dưới 6 tuổi đăng ký
tạm trú tại TP. Dù quy định rất rõ như vậy, nhưng theo bà Huyền quan
điểm của Sở Tài chính TPHCM vẫn cho rằng, đến nay chưa có văn bản nào
quy định phải cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em tạm trú (!?) Với các quy
định pháp luật hợp lý như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì bằng các
quyết định của mình UBND TPHCM lại ban hành một quy định trái luật và
không đúng với tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW như vậy.
Thiếu tình người
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện
tại TPHCM có khoảng trên 1 triệu lao động nhập cư và phần đông trong số
này có trẻ em dưới 6 tuổi nên họ rất bức xúc với quy định nói trên.
Anh Hoàng Văn Long, quê Thanh Hoá, công
nhân KCN Tân Bình, TP. HCM (tạm trú tại phường Tây Thạnh, quận Tân
Bình), cho biết mặc dù chúng tôi không phải là người thường trú tại
TPHCM, nhưng tất cả đóng góp của chúng tôi là cho ngân sách TP này, điển
hình như thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác hàng tháng chúng
tôi vẫn bị trích trừ để đóng góp cho nguồn ngân Sách TP. Vậy mà không
hiểu sao bỗng dưng UBND TPHCM lại phân biệt đối xử như vậy.
Anh Long phân trần: “Với quy định nói
trên, tôi phải về quê để làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho con. Lương công
nhân của hai vợ chồng tôi chỉ đủ trang trải sống tạm bợ qua ngày. Bây
giờ để làm thẻ BHYT cho con tôi phải xin nghỉ làm, cộng với các khoản
chi phí để về quê thì thật khốn khổ".
Tương tự, chị Hằng, quê Thái Bình, tạm
trú tại quận 7, TP HCM, cho biết, con chị đã được cấp thẻ BHYT. Nhưng
với quy định trên, khi khám chữa bệnh cho con, chị lại phải lọc cọc về
quê để thanh toán chi phí khám chữa bệnh, trong khi số tiền được thanh
toán này chẳng đáng là bao so với chi phí, thời gian công sức bỏ ra để
về quê....
"Như vậy, sau này con có bệnh tôi đành
tốn tiền khám dịch vụ chứ không khám theo diện BHYT nữa. Nếu điều này
xảy ra với hàng loạt người nhập cư thì rõ ràng chính sách BHYT toàn dân
mà Đảng, Nhà nước đang dày công xây đắp không còn ý nghĩa trọn vẹn", chị
Hằng nói.
Nói về vấn đề này, một lãnh đạo BHXH
TPHCM đề xuất: Kinh phí của khoản này nên thống nhất về đầu mối ngân
sách của Trung ương chi trả là hợp lý nhất. Còn việc UBND TPHCM không
cấp thẻ BHYT cho trẻ em tạm trú, thì tốt nhất các bậc phụ huynh nên gửi
hồ sơ về tỉnh nhờ người thân làm thẻ BHYT cho các cháu, và cũng đưa ra
nguyện vọng nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu là một bệnh viện ở TPHCM để
thành phố dể quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với các tỉnh, vì đây
là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. |