Kế hoạch này nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992 mà Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp thực
hiện. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong
việc giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao,
bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ và hiệu quả.
Theo đó, nội dung của kế hoạch tập trung
vào việc phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp trong toàn thể các đơn vị trực thuộc; tổ chức hội nghị để lấy ý
kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ, công
chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý của Bộ; tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị trực thuộc,
các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các
doanh nghiệp về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình bằng
các hình thức thích hợp; tổng hợp ý kiến góp ý và xây dựng Báo cáo kết
quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hình thức tổ chức thực hiện bao gồm: tổ
chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của Bộ để phổ biến và thảo
luận, lấy ý kiến góp ý trực tiếp vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp; tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các đơn vị trực thuộc; đăng
tải Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp
để lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tổ chức các cuộc hội
thảo, toạ đàm để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản
lý, các hiệp hội có liên quan đến phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của
Bộ; tổng hợp ý kiến góp ý và xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Báo cáo kết quả
lấy ý kiến của Bộ Tư pháp; tổ chức các cuộc họp nhóm, họp tổ nghiên
cứu, hội thảo để thảo luận, cho ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo
Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn
thiện và trình lãnh đạo Bộ Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư
pháp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tổng hợp, xây dựng
từ ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc và ý kiến góp ý của các
chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân và thời hạn hoàn thành là
ngày 15/3/2013.
Về nội dung thực hiện các nhiệm vụ của
Bộ Tư pháp được phân công tại kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý
kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch
của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Tư pháp về lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc của Bộ Tư pháp về
lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để giúp Bộ trưởng thực
hiện các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch của Chính phủ.
Giúp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Ban
Chỉ đạo xây dựng các tài liệu giới thiệu về nội dung của Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp, hướng dẫn nội dung cần thảo luận, lấy ý kiến góp ý vào Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp. Giúp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo
tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng hợp đóng góp ý kiến của các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phối hợp với Tổ giúp việc của Ban Chỉ
đạo xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến về Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn,
giải đáp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực
hiện việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Giúp Ban
Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo tổ chức các cuộc hội nghị, hội
thảo, tọa đàm, cuộc họp về lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992.
Ngoài ra, kế hoạch cũng xác định rõ
nhiệm vụ xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến đóng góp
về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đăng tải trên
các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ
được phân công tại kế hoạch này, xác định việc tổ chức lấy ý kiến trong
đơn vị mình là nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên tập trung nguồn lực và
chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng các hình thức phù hợp để các ý kiến góp ý
được hiệu quả, thiết thực.
Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến cần
thu hút trí tuệ và sự tham gia tích cực của các cán bộ, công chức, viên
chức trong đơn vị, chú trọng việc mở rộng lấy ý kiến của các chuyên gia,
nhà khoa học, các tổ chức xã hội có liên quan.
|