Đại diện Bộ Công thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí báo cáo về sự cần thiết xây dựng dự án luật cho biết, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí. Mặc dù pháp luật hiện hành về lĩnh vực dầu khí đã tạo hành lang pháp lý cho ngành phát triển, tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí vẫn chưa được điều chỉnh, một số vấn đề được quy định trong Luật dầu khí nhưng chưa đồng bộ và chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Bên cạnh đó, có những quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật dầu khí cần phải được quy định ở loại văn bản cao hơn là Luật để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật khác. Do vậy, theo đại diện của Bộ Công Thương, việc xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ các rào cản pháp lý, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết thêm về phạm vi điều chỉnh của Luật dầu khí (sửa đổi) trong đó sẽ sửa đổi các quy định như: việc thực hiện hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ… Trong Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi), Bộ Công thương đã đưa ra mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện của 6 chính sách, cụ thể: Chính sách thứ nhất là các vấn đề liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách thứ 2 là các vấn đề về điều khoản bảo đảm đầu tư, ổn định pháp luật, không hồi tố trong hoạt động dầu khí; luật áp dụng và giải quyết tranh chấp; Chính sách thứ 3 là quy định về dự án khuyến khích đầu tư dầu khí và dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư dầu khí; Chính sách thứ 4 là quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Chính sách thứ 5 là công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán hoạt động dầu khí; Chính sách thứ 6 là việc cho phép bên thứ 3 tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi) cũng dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành văn bản Luật dầu khí (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế quốc gia, cũng như chỉ rõ các vấn đề còn tồn tại trong hệ thống pháp luật về dầu khí, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, một số vấn đề phát sinh mang tính đặc thù nếu không được làm rõ trong Luật sửa đổi lần này thì việc phát triển ngành cũng như việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động dầu khí sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đặt ra câu hỏi, nguồn lực tài chính nào cho ngành dầu khí phát triển, nếu không có các ưu đãi, thu hút, cải thiện mức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Thứ trưởng Bộ Công thương mong muốn Luật dầu khí sẽ được sửa đổi một cách căn cơ và đồng bộ để ngành dầu khí phát triển. Tháo gỡ vướng mắc pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục đầu tư Nhiều vấn đề trong Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi) đã được đưa ra trong phiên họp thẩm định như: Dự kiến phân chia về phạm vi điều chỉnh giữa Luật Dầu khí với các Luật khác; hoặc dự kiến phân chia tách biệt trong Luật dầu khí là việc thay mặt nhà nước (được nhà nước ủy quyền) để ký hợp đồng khai thác dầu khí và việc trực tiếp thực hiện các hoạt động khai thác với tư cách nhà thầu; hay vấn đề cần phải làm rõ hơn nội hàm của các chính sách đưa ra trong Đề nghị…
Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Mạnh Hùng Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Tập đoàn đã tập trung rà soát các vướng mắc, bất cập khoảng 60 nhóm vấn đề trong 5 lĩnh vực hoạt động dầu khí. Vướng mắc lớn nhất trong thời gian qua liên quan đến thẩm quyền, quy trình, thủ tục đầu tư, nhất là đối với dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Bên cạnh đó là vấn đề nguồn vốn để thực hiện. Trong quá trình phát triển ngành dầu khí, đã xuất hiện nhiều hoạt động chưa được điều chỉnh trong luật dầu khí hiện hành, trong khi đó các hoạt động này đã được điều chỉnh trong pháp luật của các nước cũng là khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển ngành dầu khí. Do vậy, theo ông cần phải có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp để thu hút đầu tư từ bên ngoài. Ông Lê Mạnh Hùng cũng thể hiện sự thống nhất với 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật dầu khí (sửa đổi), đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiếp thu ý kiến thuộc vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn để hoàn thiện Báo cáo trong các phiên họp tiếp theo.
Các ý kiến tại phiên họp đã nhất trí về việc cần thiết phải xây dựng Luật dầu khí sửa đổi. Tuy nhiên, một số chính sách trong Đề nghị xây dựng luật cần phải được làm rõ và sâu sắc thêm, đồng thời bổ sung các tài liệu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đánh giá cao các ý kiến trong phiên họp thẩm định Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khẳng định sự đóng góp rất lớn của ngành dầu khí đối với ngân sách nhà nước. Nhận định dầu khí là lĩnh vực đặc thù, chuyên biệt, Thứ trưởng đã thể hiện sự đồng tình với cách tiếp cận sửa đổi Luật lần này. Thứ trưởng cũng tổng kết, đánh giá về tính hợp Hiến, hợp pháp, khả thi của Đề nghị xây dựng dự án Luật dầu khí (sửa đổi), đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì thiết kế dự án Luật theo hướng đồng bộ, thống nhất với các Luật khác trên tinh thần vận dụng tối đa các quy định của pháp luật chuyên ngành, còn các vấn đề đặc thù thì phải quy định cụ thể trong Luật sửa đổi này… |