Đây là một trong những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn hoạt động
báo chí cần được giải quyết để tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động báo chí...
Thời gian qua đã có tình trạng cơ quan chủ quản lơ là nhiệm vụ “hậu
kiểm”, buông lỏng cho cơ quan báo chí tự hoạt động, nể nang, chưa kiên quyết
trong xử lý vi phạm đối với cơ quan báo chí thuộc quyền. Vai trò của cơ quan chủ
quản “mờ nhạt” đến nỗi ngay cả khi xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí thì
chỉ thấy trách nhiệm của cơ quan báo chí mà “vắng bóng” trách nhiệm của cơ quan
chủ quản dù đã có qui định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
“Nhiều cơ quan chủ quản cứ xin để ra được tờ báo, xong rồi “khoán”
hết cho tổng biên tập” – bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bức xúc. Thậm
chí, “cơ quan chủ quản không chịu trách nhiệm về sai phạm của cơ quan báo chí
trực thuộc, dù khi có lợi nhuận thì cơ quan báo chí phải đóng góp cho cơ quan
chủ quản” - ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT phản
ánh.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT chỉ ra, một trong những nguồn tài chính
đầu tư cho các cơ quan báo chí có cơ quan chủ quản là các hội xã hội, nghề nghiệp
là từ nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân. Việc cho tổ chức, cá nhân khác đầu
tư trong nhiều trường hợp thể hiện sự buông lỏng, không kiểm soát được nội dung
thông tin dẫn đến vi phạm về tôn chỉ mục đích quy định trong giấy phép hoạt động
báo chí.
Như vậy, sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ
quản là một nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động nên làm
rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ quản, nhất là người chịu trách nhiệm của cơ
quan chủ quản báo chí là một vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra cho Dự thảo Luật
Báo chí để lấp “khoảng trống” về hiệu quả của hoạt động báo chí do thiếu vai
trò của cơ quan chủ quản.
Do vậy, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết, Dự thảo Luật Báo chí đã dành
riêng một mục (2 điều) đề cập đến cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí với việc
qui định cụ thể các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí và quyền hạn, nhiệm
vụ của cơ quan chủ quản báo chí. Trong đó có quy định “người đứng đầu cơ quan
chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí trong phạm
vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các
sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc” (Điểm d Khoản 3 Điều 17 Dự thảo).
Với qui định này, Dự thảo Luật đã “chỉ ra người có tóc để “túm” nếu
cơ quan báo chí có sai phạm, chứ không còn là trách nhiệm chung chung của cơ
quan chủ quản, dẫn đến “không ai chịu trách nhiệm”, khắc phục được tình trạng
có qui định trách nhiệm nhưng không bị xử lý trách nhiệm khi có sai phạm. Đồng
thời, qui định này sẽ củng cố thêm hiệu quả của hoạt động thanh, kiểm tra,
xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí.
Bộ TT&TT đã phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực báo chí, cụ thể là trong năm 2012, đã xử lý vi phạm 58
trường hợp cơ quan báo chí, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 51 trường hợp
cơ quan báo chí với tổng số tiền 771 triệu đồng. Năm 2013, đã xử lý 49 trường hợp,
trong đó phạt tiền 34 trường hợp với tổng số tiền 324 triệu đồng.
|