Quyết định nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến gồm các
tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật
Hình sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/7/2015 và kết thúc vào ngày 14/9/2015.
Quyết định nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân
dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một nhiệm vụ trọng tâm cần
được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian từ ngày 15/7/2015 đến
hết ngày 20/9/2015.
Việc lấy ý kiến nhân dân phải bám sát nội dung Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13
ngày 13/7/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân
dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật
Hình sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm
là những vấn đề như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp
nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa
thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa
thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp
dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy
định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù
chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành
hình phạt tù có thời hạn...
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được lấy ý kiến
thông qua nhiều hình thức: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị,
hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các
hình thức phù hợp khác.
Ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo này gửi đến
cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp
theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluathinhsu@moj.gov.vn. Cá nhân gửi
ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem.
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích
hợp
Theo Quyết định, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai Kế hoạch này. Cụ thể, Bộ Tư pháp
xây dựng Đề cương báo cáo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa
phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); tổng
hợp kết quả lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); ý kiến của các tổ chức, cá nhân được gửi
trực tiếp về Bộ Tư pháp và qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; ý kiến
của Nhân dân góp ý qua các cơ quan thông tấn, báo chí...
Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công chỉ
đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên
truyền bằng nhiều hình thức thích hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về dự
thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam,
Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phổ biến
các nội dung liên quan đến dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để cung cấp thông
tin phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân; mở chuyên trang, chuyên mục
để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, những sáng kiến,
đề xuất của Nhân dân về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và tập hợp ý kiến góp ý
gửi về Bộ Tư pháp.
Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Chính
phủ, Bộ Tư pháp tổ chức đăng tải Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về
việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức
lấy ý kiến Nhân dân và dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ báo
cáo tổng hợp kết quả trước 23/9/2015
Quyết định nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương, các
cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tư pháp về quá trình tổ chức
thực hiện việc lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin kịp thời cho Bộ Tư
pháp; Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ
luật Hình sự (sửa đổi) của Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức gửi về
Bộ Tư pháp trước ngày 18/9/2015, đồng thời gửi bản mềm báo cáo qua hộp thư điện
tử của Bộ Tư pháp: boluathinhsu@moj.gov.vn.
Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tổng
hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước
ngày 23/9/2015.
Quyết định cũng nêu rõ, các ý kiến góp ý của nhân
dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền
nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét,
quyết định tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
|