Các đại biểu cùng nhau chia sẻ những
kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế và đề xuất
những giải pháp khắc phục các bất cập, nhất là tình trạng xin lùi thời hạn và
nợ đọng văn bản hướng dẫn.
Nợ đọng 37 Nghị định
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6
tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)
Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ xây dựng luật,
pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, ngành là
rất nặng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã
quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác xây dựng luật, pháp lệnh, triển
khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; các Bộ,
ngành đã có cố gắng trong việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nhằm
bảo đảm chất lượng, tiến độ nên công tác này đã đạt được một số kết quả nhất
định.
Các văn bản quy định chi tiết được
ban hành (tổng số 46 văn bản, tăng 14 văn bản so với cùng kỳ năm 2014) thì cơ
bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi. Một số văn
bản đã được ban hành sớm để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của
luật.
Tuy nhiên, số lượng các dự án xin
lùi thời hạn trình Chính phủ tương đối nhiều (11 dự án), có dự án còn phải xin
rút khỏi Chương trình, xin lùi thời hạn trình Quốc hội như Luật Biểu tình, Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Dân số; mức
độ chuẩn bị một số dự án quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp còn hạn
chế như Luật về hội, Luật Báo chí sửa đổi.
Về văn bản quy định chi tiết, số
lượng nợ đọng là rất lớn với 109 văn bản (tăng 59 văn bản so với tháng 6/2014)
bao gồm 37 Nghị định, 4 Quyết định, 55 Thông tư và 13 Thông tư liên tịch.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các Bộ,
ngành sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua 4 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo
nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp với các cơ
quan của Quốc hội chỉnh lý 10 dự án luật, chuẩn bị 11 dự án luật.
Về công tác xây dựng, ban hành văn
bản quy định chi tiết, cần chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 109 văn bản nợ đọng, nhất là
các nghị định đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến và các thông tư,
thông tư liên tịch. Như vậy, khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi sự quan
tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành
liên quan.
Tập trung đổi mới, cải tiến quy
trình xây dựng văn bản
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và đại diện các Bộ, ngành cùng
nhau chia sẻ những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân của những khó khăn,
hạn chế và đề xuất những giải pháp khắc phục các bất cập, nhất là tình trạng
xin lùi thời hạn và nợ đọng văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, nhiều đại biểu đề xuất
những dự thảo văn bản đã được cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, đang
đợi hoàn tất quy trình tại Văn phòng Chính phủ thì không nên “bị” xếp vào diện
nợ đọng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài
chính) Đặng Công Khôi đề nghị Bộ Tư pháp lập biểu thống kê chi tiết hơn để biết
văn bản nợ đọng đang mắc ở khâu nào. Từ đó, ông Khôi cho rằng phải lược bỏ một
số khâu trong quy trình lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản, đẩy nhanh quy trình
lấy ý kiến thành viên Chính phủ, đồng thời đổi mới việc phân công cơ quan chủ
trì soạn thảo văn bản ngay trong quá trình Quốc hội đang thảo luận, tránh mất
nhiều thời gian phân công như hiện nay.
Nêu một số kinh nghiệm trong công
tác văn bản của Bộ như tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc; ban hành quy
trình xử lý các văn bản trong nội bộ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà rất
đồng tình việc làm rõ số lượng văn bản do Chính phủ nợ đọng chứ không phải chỉ
có văn bản do các Bộ, ngành nợ đọng.
Về nguyên nhân của những tồn tại,
theo ông Hà, một nguyên nhân hết sức quan trọng, cần đề cập là tính định hướng,
quan điểm chỉ đạo chưa có nên “làm luật rất lúng túng hay khi gặp phải vấn đề
khó, nhạy cảm, các Bộ cứ loay hoay làm, không có “chỗ dựa”. Trân trọng đề nghị
các Bộ, ngành phối hợp tốt với Bộ Xây dựng khi Bộ có văn bản gửi lấy ý kiến,
ông Hà cũng kiến nghị rút ngắn quá trình lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và đổi
mới, cải tiến quy trình lấy ý kiến thành viên Chính phủ bởi nhiều văn bản chậm
trễ là ở khâu này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng
Đinh Trung Tụng biểu dương những kết quả đạt được, trong đó đáng chú ý là tình
trạng xin lùi, xin rút ngày càng ít đi, nhưng tồn tại lớn nhất là nợ đọng tới
37 nghị định, không duy trì được “điểm sáng” của năm 2014 với 5 nghị định hướng
dẫn Luật Đất đai có hiệu lực đồng thời cùng Luật.
Để khắc phục các bất cập và thực
hiện khối lượng công việc 6 tháng cuối năm 2015, Thứ trưởng yêu cầu các Bộ,
ngành vào cuộc tích cực hơn nữa. Riêng với Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng mong
muốn Văn phòng Chính phủ tập trung, ưu tiên thẩm tra, hoàn tất các thủ tục
trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy
định; chủ động đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh
lý, hoàn thiện các văn bản đã có ý kiến của thành viên Chính phủ, sớm trình Thủ
tướng Chính phủ ký ban hành.
|