Luật Hộ tịch đã được Kỳ
họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 1/1/2016. Đây chính là cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho
công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành
Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa
vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo
hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời
kỳ mới.
Nhiều nội dung mới bảo đảm lợi ích của người dân
Luật Hộ tịch chủ yếu luật
hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và
Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời
quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch,
hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý
hộ tịch nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong
lĩnh vực hộ tịch.
So với quy định pháp luật
hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có nhiều nội dung mới cơ bản. Trước hết, Luật đề
cao vai trò hết sức quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch (ĐKHT), nhất là
đăng ký khai sinh (ĐKKS), cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người
được khai sinh khi ĐKKS.
Theo quy định của Luật
Căn cước công dân, Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm
mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được
quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, Số
định danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước
công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp căn cước công dân.
Đó là quy định mang
tính đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan
trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất
cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.
Một điểm đáng lưu ý là
Luật Hộ tịch quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông
tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp
thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư.
Đặc biệt, Luật có những
quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục ĐKHT, tạo thuận lợi tối đa cho
người dân (như đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi ĐKHT;
cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn, nộp trực tiếp, gửi qua
bưu chính hoặc qua hệ thống ĐKHT trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn
giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch).
Cùng với đó, Luật Hộ tịch
cũng đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan ĐKHT cho mình mà không phải
phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Theo quy định của Luật thì cá nhân có
thể được ĐKHT tại cơ quan ĐKHT nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
Đồng thời, Luật quy định khi ĐKHT, người dân được cấp trích lục hộ tịch.
Đối với một số việc hộ
tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là
khai sinh, kết hôn, Luật Hộ tịch quy định sau khi đăng ký, người dân vẫn được cấp
bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Luật quy định rõ việc
miễn lệ phí ĐKHT cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ
nghèo, người khuyết tật; ĐKKS, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân
Việt Nam cư trú ở trong nước.
Bên cạnh đó, với quan
điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, Luật quy định
UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc ĐKHT có yếu tố nước ngoài; thay đổi,
cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại
dân tộc, trừ việc ĐKKS cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công
dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước
láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ,
con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước
láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước
ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.
UBND cấp xã đăng ký các
việc hộ tịch còn lại. Quy định này nhằm phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của
chính quyền địa phương; bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp
tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền ĐKHT cho chính
quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.
Mặt khác, Luật quy định
rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch nhằm nâng
cao năng lực của đội ngũ này, tăng cường trách nhiệm và tính chuyên nghiệp, hạn
chế sai sót, vi phạm. Cùng với đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch
UBND các cấp về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những sai phạm trong công
tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương do buông lỏng quản lý.
Các Bộ, ngành phải chung tay
Luật Hộ tịch có hiệu lực
kể từ ngày 01/01/2016, để Luật được triển khai đi vào cuộc sống, trên cơ sở quy
định của Luật, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết các nội dung
đã được giao trong Luật, bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện
có hiệu quả. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã khẩn trương rà soát,
nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các nội dung được giao
trong Luật.
Được biết, để chuẩn hóa
đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp
đang phối hợp với UBND các tỉnh, TP rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện
toàn đội ngũ này, dự kiến từ nay đến năm 2016 phải chuẩn hóa đội ngũ công chức
tư pháp – hộ tịch và đến trước ngày 01/01/2020 phải hoàn thành việc đào tạo đối
với toàn bộ đội ngũ này.
Theo Kế hoạch của Chính
phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương và UBND các tỉnh, TP trực
thuộc Trung ương cũng có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về hộ
tịch; bảo đảm kinh phí, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả
các quy định của Luật Hộ tịch; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ
biến nhằm đưa Luật vào cuộc sống.
|