Tại
Hội nghị Lao động quốc tế (ILC 103) diễn ra từ ngày 25/5-12/6, tại Geneve, Thụy
Sỹ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu
đã có báo cáo tham luận tại phiên cấp cao của Hội nghị.
Liên
quan tới chủ đề thảo luận năm nay về “Di cư công bằng”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải
Chuyền nhấn mạnh, việc thúc đẩy và bảo vệ cơ hội việc làm bền vững cho người
lao động di cư luôn là mục tiêu ưu tiên của Việt Nam và được thực hiện thông
qua việc hoàn thiện và tăng cường tính thực thi của pháp luật.
Bộ
trưởng cũng cho biết các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết như:
Bảo đảm việc làm và thu nhập cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương (lao động
thanh niên, lao động nông thôn, lao động là người khuyết tật...); mở rộng chính
sách đảm bảo an sinh xã hội tới khu vực phi chính thức và đối phó
với những thách thức khác.
Trong
phát biểu của mình, Bộ trưởng cũng nêu rõ Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu
cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và gây hấn trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay. Các hành động
đó đe dọa nghiêm trọng môi trường làm việc an toàn và các hoạt động sinh kế của
người lao động Việt Nam trên biển, đi ngược lại các tiêu chuẩn lao động quốc tế
và Công ước 186 của ILO về lao động hàng hải.
Trưởng
đoàn Việt Nam cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác
giữa Việt Nam và ILO trong thời gian qua, đặc biệt là việc Việt Nam hoàn thành
tốt và có hiệu quả nhiệm kỳ thành viên chính thức của Hội đồng Quản trị ILO,
giai đoạn 2011-2014.
Cũng
tại Hội nghị ILC 103, các Bộ trưởng Lao động của các nước ASEAN đã có cuộc gặp
gỡ và trao đổi về hợp tác lao động và đặc biệt là việc thúc đẩy bảo vệ quyền
của lao động di cư.
Hội nghị Lao động quốc tế lần này có gần 5.000 đại biểu đại diện các chính phủ,
các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động đến từ 185 quốc gia thành
viên ILO và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tới
dự.
|