Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa công bố
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có quy định tăng độ tuổi
nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng lao động theo lộ trình.
Kiến nghị nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2-5 năm từ 2016
Cụ thể, dự luật đề xuất từ năm 2016
trở đi sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ
năm 2020 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng
còn lại theo phương thức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi
đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Như vậy, nam giới sẽ làm việc
thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm từ 5 năm so với quy định hiện hành.
Riêng đối với lực lượng vũ trang thực
hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật
Công an nhân dân. Với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực
từ 0,7 trở lên thì tuổi nghỉ hưu vẫn như quy định hiện hành.
Dự luật còn sửa đổi điều kiện về tuổi
đời hưởng lương hưu đối với người suy giảm khả năng lao động theo hướng
lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu ở mức
đủ 55 tuổi với nam và đủ 50 tuổi với nữ trở lên; Người bị suy giảm khả
năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi và nữ
đủ 45 tuổi; Người có đủ 15 năm trở lên trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội
làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì
không kể tuổi đời.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng công bố
cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm
đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để
tính lương hưu.
Ngoài ra, để giải quyết bất hợp lý
trong thời gian qua do tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn
nhiều so với thu nhập thực tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao
động, trong giai đoạn từ khi Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm
2017, người lao động và doanh nghiệp tiếp dục duy trì đóng bảo hiểm xã
hội theo mức lương, phụ cấp lương ghi trên hợp đồng. Tùy vào tình hình
các doanh nghiệp, từ năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã
hội sẽ là thu nhập thực tế của người lao động.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội) Trần Thị Thúy Nga cho rằng, tăng tuổi nghỉ
hưu thì lương hưu càng có ý nghĩa và có giá trị hơn. “Tăng thời gian
lao động có giá trị tinh thần cho người lao động lớn tuổi; đồng thời
tăng thu nhập và tăng được mức lương khi về hưu”, bà Nga lý giải.
Tăng để tránh... vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội
Tuy nhiên, căn cơ của đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu là nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai không xa.
Điều này được Bộ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận mới đây, khi trình
xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa
đổi. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, với các chính sách hiện hành, quỹ hưu
trí và tử tuất dự báo đến năm 2021, thu trong năm không đủ chi trong
năm. Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ nhưng
theo tính toán đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất
nhiều so với số thu.
Tính tới tháng 4/2014, quỹ Bảo hiểm xã
hội đang bị nợ 11.000 tỷ đồng (khoảng 7.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội,
500 tỷ đồng nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỷ đồng nợ bảo hiểm y tế).
Tổng các khoản, quỹ Bảo hiểm xã hội bị hụt khoảng 91.000 tỷ đồng, bằng
60% số thu mỗi năm, tương ứng khả năng trả lương hưu cho hàng triệu
người cao tuổi hiện nay.
Nguyên nhân là mức đóng bảo hiểm xã
hội ở Việt Nam thấp, thời gian hưởng lương hưu dài. Không những thế,
trong số gần 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 150.000
doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, hơn 60% doanh nghiệp đang
trốn đóng bảo hiểm. Đấy là chưa kể tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo
hiểm xã hội , đặc biệt là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ) hoặc
đóng bảo hiểm cho người lao động theo kiểu hình thức rồi chiếm dụng tiền
này...
Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt
Nam) Trần Đình Liệu cho biết thêm, số người đóng bảo hiểm xã hội cho một
người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu như trong năm 1996 có 217
người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007
chỉ còn 14 người, năm 2009 còn 11 người, năm 2011 còn 9,9 người và năm
2012 chỉ còn 9,3 người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương
hưu. Con số này vẫn đang có xu hướng giảm tiếp.
Cùng với đó, số tuổi nghỉ hưu sớm dẫn
đến thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại
dài. Hiện nay, số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân đối với nam là 28
năm và nữ là 23 năm. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm
2009, số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 và của
nữ ở tuổi 55 là 24,5.
Trước dự kiến kéo dài tuổi nghỉ hưu,
đại diện Liên đoàn Lao động một số địa phương đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Chẳng hạn như: “Không biết khi tính kéo dài tuổi nghỉ hưu của công nhân,
viên chức lao động, họ có căn cứ vào sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi
trường làm việc của người Việt Nam không, hay chỉ biết so sánh các nước
tuổi nghỉ hưu cao hơn rồi áp vào nước ta?”; rồi “Kéo dài tuổi nghỉ hưu
như thế, thì hàng vạn lao động mới ra trường hàng năm sẽ biết tìm việc ở
đâu, khi những người cũ chưa nghỉ?”...
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam Mai Đức Chính, Điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành quy
định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. “Như vậy, đề xuất nâng
tuổi hưu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có phù hợp với Bộ luật Lao động
hay không?”, ông Chính băn khoăn.
Cần những giải pháp căn cơ hơn
Từ đó, ông Chính cho rằng, Dự thảo cần
phải có lộ trình tăng tuổi hưu, không nên xem đây là giải pháp tuyệt
đối. Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội, do vậy ưu tiên hàng
đầu là bảo đảm sức khỏe và quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là
khu vực ngoài nhà nước.
Để bảo đảm quỹ lương hưu, ông Chính đề
xuất, trước hết cần phải có biện pháp chế tài để các doanh nghiệp làm
tốt nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bởi đây là nguyên
nhân khiến quỹ Bảo hiểm xã hội thâm hụt. Các cơ quan chức năng phải tăng
cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm việc tuân thủ pháp luật để tăng nguồn
thu cho quỹ.
Đồng tình với quan điểm của ông Chính,
nhiều ý kiến cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, điều kiện, môi trường làm việc
của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất; đồng
thời không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc
làm của lao động trẻ. Do vậy, cần cân nhắc việc tăng tuổi hưu, phù hợp
với luật lao động, bảo đảm sức khỏe của người lao động.
Hơn nữa, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một
trong những giải pháp bảo toàn cho quỹ chứ không là giải pháp tuyệt
đối. Quỹ Bảo hiểm xã hội chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có
giải pháp tăng số lượng người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đối phó
hiệu quả với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, chứ không chỉ đề xuất
kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Theo đó, nhằm cân bằng quỹ Bảo hiểm xã
hội giữa đóng và hưởng trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều nhóm
giải pháp khác nhau. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng dự kiến sẽ nâng
mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng.
Đồng thời, để hướng tới mục tiêu đầu
tư tăng trưởng quỹ, sửa đổi hình thức đầu tư “Cho ngân hàng thương mại
của Nhà nước vay” bằng hình thức “Gửi tiền tại ngân hàng thương mại do
Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”; bổ sung hình thức đầu tư “Ủy thác
đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư”.
Những giải pháp khác cũng cần được chú
trọng như mở rộng đối tượng theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một
tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Quy định này sẽ được
áp dụng từ 1/1/2018 thì mới có tính khả thi do hiện nay công tác quản lý
lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. |