Mục đích của giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt, phản ánh và
đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ
sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng
các biện pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để
nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đồng thời giúp các cơ
quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu phát hiện những yếu kém trong hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp nhà nước; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị
người có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Việc
giám sát, kiểm tra, thanh tra cũng nhằm kịp thời phát hiện
những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với các
doanh nghiệp nhà nước để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về
những biện pháp khắc phục, hoàn thiện; tăng cường thực hiện công khai, minh
bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích việc chia sẻ,
nhân rộng những kinh nghiệm tốt, mô hình kinh doanh có hiệu quả giữa các doanh
nghiệp nhà nước.
Giám sát,
kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trên 6 lĩnh vực
Theo Nghị định, giám
sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành
pháp luật trên 6 lĩnh vực:
1- Quản lý và sử dụng
vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh
nghiệp theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và các văn
bản hướng dẫn thi hành.
2- Sắp xếp, đổi mới,
kiện toàn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh
đối với doanh nghiệp.
3- Tuyển dụng, quản
lý, sử dụng lao động; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chính sách tiền lương,
tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp,
người đại diện và người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
4- Quy định của pháp
luật chuyên ngành về lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; quy định, quy trình về
chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh
của doanh nghiệp.
5- Các quy định của
pháp luật về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và
thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp.
6- Các quy định của
pháp luật khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xây dựng
kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra
Nghị định nêu rõ, quý
IV hằng năm, căn cứ vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thuộc
quyền quản lý, chủ sở hữu là Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo
việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra
doanh nghiệp nhà nước.
Nội dung về thanh tra
của kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải
thống nhất với Định hướng chương trình thanh tra do Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và kế
hoạch thanh tra của chủ sở hữu; chủ sở hữu là doanh nghiệp cấp 1 xây dựng, phê
duyệt và thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra đối với các doanh nghiệp cấp 2.
Kế hoạch giám sát,
kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải xác định rõ mục tiêu,
nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với mỗi doanh
nghiệp và được gửi cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ
và các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước có liên quan để lấy ý kiến và sau khi phê
duyệt để phối hợp thực hiện.
Kế hoạch giám sát,
kiểm tra của chủ sở hữu là các doanh nghiệp cấp 1 phải được gửi cho Bộ quản lý
ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp để lấy ý
kiến và sau khi phê duyệt để phối hợp thực hiện.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2014.
|