Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp
Hà Hùng Cường tại cuộc họp nghe báo cáo Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS). Cuộc họp có sự
tham gia của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban soạn thảo Nghị
định.
Nộp đủ tiền, phải tổ chức
giao tài sản
Một trong những vấn đề cần xin ý
kiến, theo Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành là về thanh toán tiền
bán đấu giá tài sản (BĐGTS) thi hành án (THA). Vấn đề này còn 2 loại ý
kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đây
là tiền THA vì mục đích kê biên, BĐGTS của người phải THA để thanh toán nghĩa
vụ THA, cho nên cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán tiền THA theo quy định
tại điều 47 Luật THADS, trừ chi phí cưỡng chế giao tài sản và chi phí cần thiết
khác nếu có.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đây
chưa phải là tiền THA vì người mua được tài sản bán đấu giá, đã nộp tiền nhưng
chưa được nhận tài sản nên thực chất số tiền đó vẫn là tiền của người mua đấu
giá, cho nên trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan THADS làm thủ tục
đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiện 1 tháng
(hoặc gửi vào tài sản ký quỹ) cho đến khi giao được tài sản; phần lãi suất tiền
gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu để THA nếu giao được tài
sản, nếu không giao được thì tiền lãi thuộc về người đã nộp tiền.
Dự thảo Nghị định được thể hiện theo
loại ý kiến thứ nhất, vì theo Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành, do mục đích kê
biên, bán đấu giá của người phải THA là để thanh toán nghĩa vụ THA. Để đảm bảo
quyền lợi cho người được THA thì sau khi nhận được tiền BĐGTS, cơ quan THA phải
thanh toán tiền cho người được THA theo quy định tại điều 47 Luật THADS, trừ
chi phí cưỡng chế giao tài sản và chi phí cần thiết khác nếu có.
Đồng thời, trong thời hạn không quá
30 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ
chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản. Tổ chức BĐGTS có trách nhiệm
phối hợp với cơ quan THADS trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản
bán đấu giá.
Bám sát các quy định của Bộ
luật Dân sự
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản
Đồng Ngọc Ba cho rằng, việc bán mà chưa giao được tài sản là bán chưa hoàn
thành, tiềm ẩn rủi ro vì người ta đã nộp tiền mà chưa được bàn giao tài sản.
“Nghị định phải có phương án xử lý nếu không thực hiện giao tài sản được sau 30
ngày”- ông Ba đề xuất.
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Phó Viện
trưởng Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC cho rằng, nếu tài sản bán đấu giá phải
đăng ký quyền sở hữu thì rõ ràng việc mua bán là chưa hoàn thành, vậy mà đã trả
tiền ngay cho người được THA là không hợp lý, do đó cần quy định chặt việc xử
lý tài sản.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất có thể
chia tài sản thành hai loại: tài sản thông thường và tài sản phải đăng ký quyền
sở hữu để có từng phương án xử lý thích hợp, bảo đảm hài hòa giữa việc bảo vệ
quyền lợi cho người mua tài sản đấu giá và người được THA.
Hiện nay, Luật THADS quy định thời
hạn thanh toán tiền THA là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền, kể cả tiền BĐGTS
của người phải THA. Tuy nhiên, theo Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết:
Trong thực tiễn, sau khi bán đấu giá thành, có rất nhiều lý do mà việc giao tài
sản cho người trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn. Có những vụ thời gian kéo dài
đến cả chục năm nhưng vẫn chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá,
trong khi tiền thì đã được trả cho người được THA, vì vậy cần phải có
hướng giải quyết đối với số tiền thu được.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tư
pháp Hà Hùng Cường yêu cầu Ban soạn thảo cần có đánh giá riêng về vấn đề thủ
tục hành chính, xem thủ tục nào cần thiết, có hợp lý, hợp pháp không. Đặc biệt,
vấn đề quyền sở hữu của chủ sở hữu với tài sản phải được tôn trọng, bảo đảm kể
cả khi họ là người phải THA.
Riêng thanh toán tiền bán đấu giá,
Bộ trưởng nhấn mạnh: Phải căn cứ BLDS hiện hành và tinh thần BLDS đang sửa đổi
để xác định xem khi nào việc mua đấu giá hoàn thành, vì chỉ khi đã hoàn thành,
tiền đó mới là tiền THA. Bộ trưởng gợi ý có thể tính đến phương án tạm giao một
nửa số tiền hoặc phân chia thành từng loại tài sản để cố gắng sau khi bán đấu
giá xong, hệ lụy không xảy ra.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban soạn thảo
đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo vì ngày 1/7/2015 tới đây, Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật THADS có hiệu lực. “Đây là luật liên quan đến lợi ích
hàng ngày của người dân, nếu luật để “treo” hoặc hướng dẫn không kịp là sẽ khó
cho dân”, Bộ trưởng nói.
|