Không đạt tín nhiệm nên chưa bầu
được Chủ tịch
LS Phan Trung Hoài – Phó Chủ
tịch LĐLS Việt Nam thông tin thêm, Đại hội đã bầu được 95 ủy viên Hội
đồng Luật sư (HĐLS) toàn quốc gồm 63 Chủ nhiệm là ủy viên đương nhiên của HĐLS
toàn quốc nhiệm kỳ II và 32 ủy viên do Đại hội bầu trực tiếp.
HĐLS toàn quốc cũng đã họp phiên đầu
tiên ngày 18/4, bầu ra 4 Phó Chủ tịch LĐLS, 21 ủy viên Ban Thường vụ LĐLS. Việc
kiện toàn được HĐLS toàn quốc và Ban Thường vụ LĐLS là một trong những thành
công của Đại hội. Song do không đạt số phiếu tín nhiệm theo biểu quyết của đại
hội nên HĐLS toàn quốc chưa bầu được chức danh Chủ tịch LĐLS nhiệm kỳ II.
“Chức danh này có ý nghĩa quan trọng
trong nâng cao vị thế, quan hệ đối nội và đối ngoại của LĐLS. Việc lựa chọn LS
xứng đáng với sự tín nhiệm của giới LS Việt Nam cho chức danh cần sự chuẩn bị
chu đáo nên HĐLS toàn quốc quyết định lùi thời gian bầu chức danh Chủ tịch LĐLS
Việt Nam để việc bầu được chính xác và thực hiện đúng qui trình bầu theo Luật
LS”, LS.Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng thư ký LĐLS Việt Nam cho biết.
Chức danh Chủ tịch LĐLS Việt Nam
nhiệm kỳ II sẽ được bầu trong phiên họp sớm nhất của HĐLS toàn quốc. Do HĐLS
toàn quốc chưa bầu được Chủ tịch LĐLS nhiệm kỳ II nên quyết nghị giao cho LS.Đỗ
Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam điều hành và đại diện cho LĐLS Việt Nam
trong quan hệ đối nội và đối ngoại cho đến khi bầu được Chủ tịch LĐLS nhiệm
kỳ II.
LS.Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định thêm: “Một
trong những thành công khác của Đại hội là thông qua Điều lệ LĐLS Việt Nam để
áp dụng thống nhất đối với LĐLS Việt Nam và các Đoàn LS. Điều lệ hướng
đến qui định hoạt động của LS trong việc thực hiện các nhiệm vụ mới trong điều
kiện, tình hình mới để phát triển đội ngũ và hoạt động LS, phát huy mô hình tự
quản kết hợp sự quản lý nhà nước đối với hoạt động của LS Việt Nam, đại diện
bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền khác của LS, tạo môi trường thuận
lợi cho LS cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội”.
Không để luật sư chịu “một cổ
hai tròng” về phí
Quá trình đại hội, nhiều LS bày tỏ
những bức xúc về việc LS vừa phải đóng phí thành viên của Đoàn LS và cả LĐLS
Việt Nam. Nhưng theo LS.Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam, phí LS
là xác định trách nhiệm thành viên của LS đối với Đoàn LS , với LĐLS và theo
qui định của pháp luật về LS.
LS là thành viên của Đoàn LS và LĐLS
thì được LĐLS, Đoàn LS bảo vệ quyền hợp pháp nên tương ứng LS phải có nghĩa vụ
đóng phí thành viên. Nhưng để tránh hiểu lầm là việc thu phí khiến LS bị “một
cổ hai tròng”, tại Điều lệ áp dụng cho cả LĐLS và các Đoàn LS vừa được thông
qua tại Đại hội, phí thành viên được thu tại một nơi là Đoàn LS nơi LS sinh
hoạt và Đoàn LS sẽ trích nộp phí LS về LĐLS. Như vậy LS cũng không mất thời
gian đi nộp phí.
Khẳng định “không có bộ phận LS nào
chạy án, nhưng LS.Đỗ Ngọc Thịnh thừa nhận “có một số LS có biểu hiện “chạy
án”, nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng nên không khẳng định được là có LS “chạy
án”. Tuy nhiên, tiêu cực trong hoạt động là không tránh khỏi trong quá trình
chuyển đổi, pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình kiểm tra, giám sát của các cơ
quan chức năng đối với hoạt động LS chưa bảo đảm, LĐLS cũng đang hoàn thiện mô
hình tự quản kết hợp với quản lý nhà nước”.
Vì vậy, khi có phản ánh về hành vi
tiêu cực của LS, LĐLS và các Đoàn LS sẽ tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ
thực hiện nghiêm túc Qui tắc hành nghề để hạn chế tối đa biểu hiện tiêu cực,
kịp thời uốn nắn, giúp đỡ, thậm chí xử lý những LS cố tình vi phạm, có thể loại
bỏ khỏi đội ngũ để không có “con sâu làm rầu nồi canh”.
LS.Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định: “Trong
nhiệm kỳ II, chúng tôi sẽ làm đồng bộ các giải pháp, có lộ trình, xây dựng được
chuẩn mực của nghề LS, tạo được sự tin tưởng của xã hội đối với hoạt động
LS và khuyến khích đội ngũ LS hoạt động theo đúng pháp luật và qui tắc đạo đức
nghề nghiệp”.
Phát biểu với các luật sư tại Đại
hội, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thẳng
thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là tỷ lệ luật sư trên số dân vẫn ở vào
hàng thấp trên thế giới; chất lượng hoạt động của luật sư chưa đáp ứng được đòi
hỏi ngày càng cao về tố tụng và tư vấn phát luật theo yêu cầu của cải cách tư
pháp…
Công tác quản lý nhà nước với luật
sư còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện đúng nội dung, tinh thần
Chỉ thị số 33 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
tổ chức và hoạt động của luật sư cũng như các quy định của pháp luật về luật sư
và hành nghề luật sư. Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là những vấn đề Liên
đoàn cần tích cực khắc phục trong nhiệm kỳ này.
Nhắc lại những nhiệm vụ đã được đặt
ra tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,
Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến
địa phương, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện chế độ tự quản,
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành
nghề luật sư, đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư.
Chủ tịch nước lưu ý mỗi luật sư cần
phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, nỗ
lực học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề
nghiệp để đủ năng lực tham gia vào các tổ chức quốc tế và tham gia giải quyết
các vụ tranh chấp quốc tế.
|