Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô và
dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục
trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và Giám đốc Sở; đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo
tuyến cố định, xe buýt; đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; đơn
vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch; đơn vị
kinh doanh vận tải hàng hóa; đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng, trạm
dừng nghỉ; người xếp hàng hóa lên xe ô tô, chủ hàng; đơn vị cung cấp dịch vụ
giám sát hành trình, đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình...
Thông tư quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành
khách theo tuyến cố định, xe buýt có trách nhiệm xây dựng hoặc áp dụng Tiêu
chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải
hành khách, đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến với cơ
quan quản lý có thẩm quyền; niêm yết các thông tin có liên quan về hoạt động
kinh doanh vận tải theo quy định; thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe
trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã
được phê duyệt.
Đồng thời, thực hiện đúng quy định về việc quản
lý và sử dụng phù hiệu chạy xe, đảm bảo các phương tiện của đơn vị khi đưa vào
khai thác phải được cấp phù hiệu và biển hiệu theo quy định; thực hiện đúng các
quy định về việc đón, trả khách và các quy định về xếp hành lý, hàng hóa lên
xe, chở đúng tải trọng quy định; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt
động vận tải theo quy định.
Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm
thực hiện đúng Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã cấp; đảm bảo an
ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các
điểm đón, trả khách và chạy đúng hành trình; không chở quá số người được phép
chở và không vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi
trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô
tô…
Xử lý vi phạm
Bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của từng
tập thể, cá nhân, Thông tư cũng nêu rõ về việc xử lý vi phạm. Cụ thể, các hình
thức xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh vận tải gồm: đình chỉ khai thác
tuyến, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm. Đặc biệt, sẽ đình
chỉ hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải từ 1 tháng đến 3 tháng khi đơn vị
để xảy ra các vi phạm như: có 10% số lượng phương tiện vi phạm chở quá số người
hoặc quá tải trọng cho phép trên 100% trong 1 tháng; có từ 10% phương tiện đưa
vào khai thác khi chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu…
Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trách nhiệm tổ
chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận
tải đường bộ khi bị phát hiện lần đầu thì bị nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc
phục; trường hợp không khắc phục theo đúng yêu cầu hoặc vi phạm từ lần thứ hai
trở lên trong thời hạn 1 năm, kể từ khi vi phạm lần đầu thì sẽ bị xử lý theo
quy định tại Thông tư này.
Cơ quan, người có thẩm quyền nhắc nhở, chấn
chỉnh, yêu cầu khắc phục vi phạm của tổ chức, cá nhân phải bằng văn bản và nêu
rõ hành vi vi phạm, thời hạn yêu cầu khắc phục vi phạm. Các hình thức xử lý vi
phạm tại quy định này không thay thế cho các hình thức xử phạt vi phạm hành
chính khác theo quy định của pháp luật.
|