Phát hiện gần 900 văn bản “có
vấn đề”
Báo cáo về kết quả công tác kiểm tra
VBQPPL năm 2014, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe cho
biết, Cục đã tự kiểm tra 24 VBQPPL do Bộ Tư pháp ban hành hoặc liên tịch ban
hành, đạt 100%. Qua kiểm tra, bước đầu chưa phát hiện văn bản nào có nội dung
không phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với văn bản do cơ quan ban hành
gửi đến, trong cả năm 2014, Cục đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản, bước đầu
phát hiện 885 văn bản vi phạm các quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về
nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản, căn cứ pháp lý, thể thức và
kỹ thuật trình bày, thực hiện xử lý kịp thời, đúng nguyên tắc, trình tự,
thủ tục.
Ngoài ra, Cục tham mưu cho lãnh đạo
Bộ thành lập các Đoàn công tác liên ngành thực hiện việc kiểm tra văn bản theo
địa bàn kết hợp kiểm tra công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà
soát, hệ thống hóa VBQPPL tại 13 địa phương và 4 Bộ; chủ động tổ chức 3 đoàn
kiểm tra của Cục tại 3 tỉnh về một số văn bản có dấu hiệu không phù hợp pháp
luật.
Cục còn triển khai kiểm tra theo
chuyên đề VBQPPL về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh,
VBQPPL về lĩnh vực đấu giá tài sản và bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt,
từ các nguồn thông tin, Cục đã kiểm tra, phát hiện nội dung trái pháp luật của
nhiều văn bản, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý các văn bản
có nội dung trái pháp luật được báo chí, dư luận quan tâm và đồng tình ủng hộ
như Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng
mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; Quyết định số
1726/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối
với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một
số hạn chế, khó khăn trong công tác kiểm tra VBQPPL nên để khắc phục, Cục Kiểm
tra VBQPPL đề xuất lãnh đạo Bộ quan tâm tăng cường đội ngũ công chức làm công
tác kiểm tra tại Cục. Cục cũng đề nghị lãnh đạo quan tâm phối hợp với lãnh đạo
các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các văn bản vi phạm
pháp luật đã được phát hiện…
Khẩn trương rà soát tạo thuận lợi
cho hoạt động kinh doanh
Báo cáo riêng về kết quả kiểm tra
chuyên đề, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Mạc Thị Hoa cho biết, hiện đã
phân loại, thực hiện kiểm tra 249 văn bản của 16 Bộ (6 Bộ, cơ quan ngang Bộ
không ban hành văn bản về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh
doanh); 276 văn bản của 52 địa phương (11 tỉnh báo cáo không ban hành văn bản
quy định về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, 1 tỉnh không có
báo cáo).
Qua kiểm tra, phát hiện 9 văn bản
của các Bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định
của pháp luật về thẩm quyền và về nội dung. Từ đó, cùng với kiến nghị Thủ tướng
chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh tự kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số
40/2010/NĐ-CP thì cũng cần kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa
phương rà soát các văn bản quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và
điều kiện kinh doanh để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm bảo
đảm sự phù hợp với Luật Đầu tư (sửa đổi) khi Luật này có hiệu lực kể từ ngày
1/7/2015.
Sau khi báo cáo và các kiến nghị, đề
xuất của Cục Kiểm tra VBQPPL, đại diện một số đơn vị đánh giá cao những kết quả
đạt được nhưng đề nghị làm sâu sắc hơn các Báo cáo và đưa ra nhiều góp ý nhằm hoàn
thiện các Báo cáo.
Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Cục Kiểm
soát thủ tục hành chính Nguyễn Nguyên Dũng nêu vấn đề, Luật Doanh nghiệp và
Luật Đầu tư mới đều “bỏ lửng” thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về ngành, nghề
kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, cần cân
nhắc xem xét như thế nào, nên chăng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư hướng dẫn cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL tiếp tục ý kiến góp ý của đại diện các đơn vị,
chuẩn bị tốt hơn Báo cáo công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, trong đó phải so sánh
được bức tranh chung của công tác này năm 2014 với năm 2013; còn Báo cáo chuyên
đề thì cần tích cực hoàn thiện, góp phần khẳng định tiếng nói, vị thế của ngành
Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh. Bộ trưởng
cũng rất chia sẻ với những khó khăn của Cục và chỉ đạo Cục tìm giải pháp khắc
phục cũng như làm việc với các đơn vị liên quan để cùng tháo gỡ.
|