Phát biểu tại buổi gặp
mặt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã điểm lại những thành tựu nổi bật của
Bộ, Ngành Tư pháp Việt Nam năm 2014. Để đạt được những thành tựu của năm qua,
cùng với sự cố gắng phát huy nội lực của mình, các cơ quan, tổ chức pháp
luật và tư pháp Việt Nam đã tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực từ
phía các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế thông qua gần 50 chương
trình, dự án hợp tác đang được triển khai thực hiện.
Buổi gặp mặt vừa nhằm tri ân những đóng góp, hỗ trợ của các nước,
các tổ chức nước ngoài đối với hoạt động của Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức
pháp luật, tư pháp Việt Nam, vừa là dịp để các đối tác nước ngoài và Việt Nam
nhìn nhận, đánh giá kết quả hợp tác của năm qua và chuẩn bị cho các kế hoạch hợp
tác của năm tới. Qua đây, Bộ trưởng đã bày tỏ sự đánh giá cao về những tình cảm,
sự hỗ trợ và hợp tác quý báu của bạn bè thế giới, khu vực và các tổ chức quốc tế
dành cho lĩnh vực pháp luật và tư pháp Việt Nam.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định năm 2015 là một năm “đặc biệt
quan trọng” của Việt Nam trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh
tế - xã hội của giai đoạn 2011-2015, tạo đà phát triển vững chắc cho việc thực
hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, các
chiến lược cải cách pháp luật và cải cách tư pháp. Năm 2015 cũng là năm thứ hai
triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Quốc hội và Chính phủ xác định rõ tiếp tục
thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đột phá chiến lược về cải cách thể chế, cải
cách hành chính và tư pháp. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác
pháp luật và tư pháp. Do vậy, bên cạnh việc phát huy nội lực của Bộ Tư pháp, cơ
quan, tổ chức pháp luật và tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn bạn bè
thế giới, khu vực và các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hợp tác và hỗ trợ
Việt Nam.
Bày tỏ cảm kích được
tham dự buổi gặp mặt để “tôn vinh những thành tựu đã đạt được trong hoạt động
hợp tác năm 2014”, đại diện các Đại sứ và nhà tài trợ đều đánh giá cao hiệu quả
hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng và các cơ quan tư pháp và pháp luật
Việt Nam nói chung thời gian qua. Bà Pratibha Mehta, Đại diện thường trú Liên
Hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận các nỗ lực bảo đảm tính công khai, minh bạch và
sự tham gia của xã hội dân sự và người dân trong các thảo luận và tham vấn sửa
đổi một số đạo luật cơ bản như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và quá trình
soạn thảo dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị
báo cáo về Công ước quyền dân sự và chính trị, Bà khẳng định “Liên Hợp quốc
tại Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tiến trình này”.
Đồng tình với bà Pratibha Mehta, ông Franz
Jessen, Đại sứ liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam nhấn mạnh, Bộ Tư pháp
đã và đang là đối tác thân thiện của EU, “Bộ Tư pháp đóng vai trò quan trọng
trong thúc đẩy cải cách và định hình khung pháp lý Việt Nam”. Ông cũng cho
rằng, cải cách tư pháp và pháp luật không chỉ quan trọng với Việt Nam mà còn
quan trọng đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Ông khẳng định “EU sẽ
tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với Việt Nam thông qua chính sách đối
thoại và hỗ trợ kỹ thuật”./.
|