Cơ hội để người dân lựa chọn nơi
đăng ký hộ tịch
So với pháp luật hiện hành, Luật Hộ
tịch có nhiều quy định mới quan trọng mang tính cải cách mạnh mẽ. Trước hết,
Luật đề cao vai trò của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh,
cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh.
Theo quy định của Luật Căn cước công
dân (CCCD), Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã
hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản
lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người dưới 14 tuổi, Số định
danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây cũng là số thẻ CCCD của người
đó khi đủ tuổi được cấp CCCD. Đó là quy định mang tính đột phá trong công tác
quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu
cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia
giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.
Một trong những vấn đề quan trọng
đặc biệt là Luật tiếp tục phân cấp mạnh cho UBND cấp huyện thẩm quyền đăng ký
các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, tạo điều kiện để UBND cấp tỉnh/Sở Tư
pháp tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Đối với những việc hộ
tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới thì Luật vẫn giao UBND cấp xã
giải quyết (như hiện nay) để bảo đảm thuận tiện cho người dân.
Đáng chú ý, Luật quy định rõ tiêu
chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch nhằm nâng cao năng
lực của đội ngũ cán bộ, tăng cường trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Đồng
thời, Luật quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp về công tác đăng
ký, quản lý hộ tịch và những sai phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch
tại địa phương do buông lỏng quản lý.
Đồng thời, Luật có những quy định
cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho
người dân (như: đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng
ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực
tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều
kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch...;
miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng,
người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật cũng như đối với việc khai sinh, khai tử
đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch...). Luật cũng mở ra cơ hội
để người dân lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch thuận lợi nhất cho mình, không bị phụ
thuộc vào nơi cư trú như hiện nay.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp
vụ
Để triển khai thi hành Luật Hộ tịch,
Bộ Tư pháp đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch triển khai thi
hành Luật Hộ tịch”. Để triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch nêu trên, Bộ
Tư pháp đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo,
khẩn trương ban hành kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa
phương để triển khai một cách thực chất, bài bản, chất lượng Kế hoạch thi hành
Luật Hộ tịch của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó tập trung chỉ đạo rà soát,
đánh giá toàn diện đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp xã, cấp
huyện; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn để bảo đảm 100% công chức làm
công tác hộ tịch tại địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật;
thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn, đáp ứng
kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân; chỉ đạo Sở Tư pháp trong năm
2015 duy trì và thực hiện tốt công tác đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước
ngoài theo thẩm quyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển giao công
tác này cho UBND cấp huyện từ ngày 01/01/2016.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác đăng
ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn; thực hiện tổng rà soát, đánh giá đội ngũ công
chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp xã và các Phòng Tư pháp, đề xuất kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo Luật; chuẩn bị
mọi điều kiện cần thiết để thực hiện đăng ký các việc hộ tịch theo thẩm quyền
từ ngày 01/01/2016; có kế hoạch thường xuyên tiến hành tuyên truyền, phổ biến
pháp luật hộ tịch trong nhân dân.
Để bảo đảm công tác đăng ký, quản lý
hộ tịch đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm
chỉ đạo các Cơ quan đại diện quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Luật Hộ tịch,
kịp thời giải quyết các việc hộ tịch của công dân Việt Nam ở nước ngoài; có kế
hoạch chi tiết triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại các Cơ
quan đại diện; tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ viên chức ngoại giao, lãnh
sự làm công tác hộ tịch để có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo quy
định.
|