Thực
hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thi hành pháp
luật trong phạm vi cả nước và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên
ngành, trên cơ sở trao đổi, thống nhất ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan,
ngày 30/01/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết
định số 227/QĐ-BTP ban hành
Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả.
Đây là năm thứ hai Bộ Tư pháp ban
hành Kế hoạch liên ngành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật kể từ khi
Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Kế hoạch đã bám sát Nghị quyết
số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm
2015 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, triển khai theo dõi thi
hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Hiện nay, nạn buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, phương
thức và thủ đoạn tinh vi, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, gây thất
thu ngân sách, ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của
người tiêu dùng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Việc tổ chức theo dõi tình
hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được
thực hiện với mục đích xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến
nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện
hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Kế hoạch đã bám sát các quy định tại
Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP để xác định rõ nội
dung theo dõi thi hành pháp luật . Theo đó, nội dung theo dõi tình hình thi hành
pháp luật sẽ được xem xét, đánh giá dựa trên các tiêu chí về: (1) tình hình ban
hành văn bản quy định chi tiết, (2) tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi
hành pháp luật, (3) tình hình tuân thủ pháp luật. Kế hoạch cũng đã làm rõ, cụ
thể hóa để hướng dẫn các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật về
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bao gồm: (1) thu thập thông
tin về tình hình thi hành pháp luật, (2) kiểm tra tình hình thi hành pháp luật,
(3) hội thảo, tọa đàm, điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật, (4)
xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Căn cứ Kế hoạch, Bộ Tư pháp sẽ chủ
trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và một số địa phương tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo
sát liên ngành về tình hình thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện khó
khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành
tại 04 địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương căn cứ vào Kế hoạch của Bộ Tư pháp để ban hành kế hoạch
và tổ chức thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực và trên địa bàn do mình
quản lý, gửi Báo cáo về Bộ Tư pháp trước thời gian quy định.
Trên cơ sở kết quả theo dõi tình
hình thi hành pháp luật của các Bộ và UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì xây
dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật trong
lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước ngày 30/11/2015.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các
nhiệm vụ được đề ra, Kế hoạch đã phân công trách nhiệm cụ thể, bảo đảm sự phối
hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài
chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y
tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; đồng thời xác định mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ
chức, cá nhân có liên quan, cũng như huy động sự tham gia, phối hợp phối hợp
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam…, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động
theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực này.
Phòng Theo dõi thi hành pháp luật
- Cục QLXLVPHC&TDTHPL
|