Công tác thi đua khen thưởng ngày càng thực chất
hơn
Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen
thưởng và triển khai công tác năm 2015 của Vụ Thi đua khen thưởng, Phó Vụ
trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2014, phong trào
thi đua được phát động với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đồng thuận, vượt khó, thi
đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao” gắn với phong trào thi
đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp,
phong trào “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, phong
trào “Cán bộ tư pháp tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh”. Các phong trào này tạo động lực mạnh mẽ động viên từng cá nhân, đơn
vị phát huy truyền thống, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, nêu
cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Công tác xét khen thưởng ngày càng thực chất, gắn với kết quả thực
hiện kế hoạch công tác đầu năm và nhiệm vụ chuyên môn được giao. Vụ đã rà soát,
thẩm định hồ sơ trình Hội đồng TĐKT ngành xét, trình Bộ trưởng trình cấp có thẩm
quyền tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho tập thể, cá
nhân trong ngành. Kết quả là, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động cho 13 tập
thể, 07 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 36 tập thể và 74 cá
nhân; Cờ thi đua ngành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 68 tập thể...
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước
gắn với hoạt động của Ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đề nghị, Vụ cần tập
trung hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70
năm ngày thành lập ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu
nước ngành Tư pháp lần thứ IV; tổ chức tốt Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư
pháp lần thứ IV và Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp. Không
những thế, theo Thứ trưởng, Vụ TĐKT phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong
nội bộ đơn vị và Thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn đến phong trào
thi đua.
Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, bước đột phá đáp ứng yêu
cầu của giai đoạn mới
Năm 2014 Cục Trợ giúp pháp lý đã cơ bản hoàn thành các
nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra. Công tác thể chế tiếp tục được xác định là nhiệm
vụ trọng tâm. Đặc biệt, năm 2014 Cục xác định được hướng đổi mới công tác trợ
giúp pháp lý trên cơ sở kết quả sơ kết 02 năm thực hiện Chiến lược trợ giúp
pháp lý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từ đó kiến nghị và được Thủ
tướng Chính phủ đồng ý cho nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới công tác trợ giúp
pháp lý. Có thể khẳng định, việc xây dựng Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp
lý được coi là bước đột phá trong công tác trợ giúp pháp lý hiện nay. Những
quan điểm, nội dung đổi mới trong Đề án sẽ được thể chế hóa trong Luật Trợ giúp
pháp lý sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo đảm cho người
được trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng cao;
xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng tinh gọn, hiệu
quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền…
Ghi nhận những kết quả của Cục Trợ gúp pháp lý đã đạt được trong
năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng đề nghị, Cục tiếp tục tìm ra
các giải pháp để triển khai Kế hoạch công tác năm 2015; tiếp tục tinh gọn
bộ máy trợ giúp pháp lý ở địa phương và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định
của pháp luật; hoàn thiện thể chế, tiếp tục xây dựng Đề án đổi mới công tác trợ
giúp pháp lý, nghiên cứu, đổi mới ngay trong mô hình tổ chức và hoạt động của Cục
Trợ giúp pháp lý để công tác trợ giúp pháp lý ngày càng thiết thực đối với người
dân.
Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế về việc xây dựng
Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, quá trình "trăn trở, đấu
tranh tư tưởng, giằng co giữa cái mới và thói quen cũ, lối mòn cũ đã làm ảnh
hưởng nhất định đến tiến độ xây dựng Đề án”; trong thể chế đã phát hiện ra
một số điểm mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, nhưng việc tháo gỡ còn chậm, việc
tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để tháo gỡ còn ở "mức độ nhất định”.
Thứ trưởng đề nghị cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm
của năm, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tiếp tục xây dựng Luật Trợ giúp
pháp lý (sửa đổi); sau khi Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt cần triển khai ngay Kế hoạch thực hiện Đề án; tăng
cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các trợ giúp viên ở địa
phương theo hướng chuyển hướng tập trung vào vụ việc, nâng cao chất lượng, thu
hút các trợ giúp viên là luật sư tham gia…
|