Những nền tảng quan trọng
Hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) ở
Việt Nam hình thành từ năm 1997, đặc biệt, sự ra đời của Luật TGPL năm 2006 đã
đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác này.
Thực tiễn công tác TGPL trong thời
gian qua đã khẳng định chính sách TGPL và việc ra đời Luật TGPL là đúng đắn,
hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc và điều kiện
thực tế của nước ta, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp
phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa pháp luật đến với
người dân, tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp
luật.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho biết,
hiện trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm), 199 Chi nhánh
của Trung tâm (Chi nhánh) đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.345 Câu lạc bộ
TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là
1.244 người, trong đó 483 trợ giúp viên pháp lý.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công
tác TGPL, các địa phương đã chú trọng việc phát triển đội ngũ cộng tác viên và
huy động các tổ chức tham gia TGPL. Đến tháng 6/2013, cả nước có 317 tổ chức
đăng ký tham gia TGPL, trong đó có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 Trung tâm
tư vấn pháp luật. Tổng số cộng tác viên trong toàn quốc là 8.980 người, trong
đó có 1.055 luật sư. Ngoài ra, có 293 Tổ TGPL, 230 Điểm TGPL đặt tại Phòng Tư
pháp, UBND xã, Hội Phụ nữ...
Số liệu thống kê cũng cho thấy, từ
khi triển khai thi hành Luật TGPL đến tháng 6/2014, hệ thống TGPL của Nhà nước
đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện được 824.344 vụ việc TGPL
cho 843.533 người thuộc diện TGPL (bao gồm cả các vụ việc trong hoạt động TGPL
lưu động và Câu lạc bộ TGPL).
Những năm gần đây, tỷ lệ trợ giúp
viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho người được TGPL ngày càng gia tăng. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý
từng bước trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện
TGPL, đặc biệt là những tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn.
Bộ Tư pháp nhận định: “Việc triển
khai hoạt động TGPL là tương đối phù hợp trong giai đoạn đầu của sự phát
triển”. Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực
TGPL, Bộ Tư pháp đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động
TGPL những năm gần đây.
Phần lớn người dân còn chưa biết đến
trợ giúp pháp lý
Hạn chế đầu tiên dễ nhìn thấy nhất,
theo đánh giá của Bộ Tư pháp là hoạt động TGPL nhìn chung chưa bảo đảm đúng
trọng tâm là cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tham gia tố tụng mà
còn dàn trải theo nhiều hình thức TGPL khác (như in ấn tờ rơi, tờ gấp, sinh
hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động).
Theo số liệu 02 năm thực hiện Chiến
lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, số lượng
vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,7%; tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm
và Chi nhánh chiếm 22,9% trong tổng số vụ việc TGPL.
Mặt khác, các hoạt động truyền thông
về TGPL cũng chưa được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng dẫn
đến mục đích và hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, mặc dù hệ thống TGPL đã hình thành
17 năm nhưng vẫn còn nhiều đối tượng được hưởng chính sách TGPL chưa biết đến
hoạt động này và quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.
Trên thực tế, các vụ việc tố tụng
hình sự phần lớn do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, số lượng vụ việc
do người dân tự tìm đến và yêu cầu Trung tâm hoặc Chi nhánh thực hiện còn khiêm
tốn.
Hạn chế thứ hai phải kể đến là hệ thống
tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu
thực tiễn; chưa tính đến đặc thù vùng, miền nên một số nơi Trung tâm hoạt động
kém hiệu quả; thiếu sự điều phối, hỗ trợ về nguồn lực ở các địa phương trong
trường hợp có nhu cầu TGPL cao hoặc có vụ việc phức tạp, điển hình.
Bên cạnh đó, có tình trạng trợ giúp
viên pháp lý chưa thực sự chuyên nghiệp trong tham gia tố tụng. Số lượng vụ
việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý còn thấp, cá biệt vẫn còn một
số địa phương trợ giúp viên pháp lý chưa tham gia tố tụng.
Chức danh “Trợ giúp viên pháp lý”
chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự là người tham gia tố tụng với
tư cách là người bào chữa, do đó trợ giúp viên pháp lý đôi khi còn gặp khó khăn
trong quá trình tác nghiệp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, người
dân vẫn chưa quen với chức danh này, nhiều trường hợp chưa thực sự tin tưởng sử
dụng dịch vụ của trợ giúp viên pháp lý mà ưu tiên sử dụng dịch vụ của luật
sư.
Những hạn chế khác như nguồn nhân lực
thực hiện TGPL còn nhiều bất cập; kinh phí đầu tư cho TGPL trong thực tế còn
rất thấp; công tác xã hội hóa hoạt động TGPL còn chậm; chất lượng và quản lý
chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều bất cập… cũng đang làm cho hoạt động TGPL
chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Trước thực tế này, vấn đề đổi mới
công tác TGPL đang được đặt ra một cách cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện
nay Hiến pháp và một số luật liên quan đến công tác TGPL đã có nhiều thay
đổi.
Mục tiêu tổng quát của Đề án đổi mới
công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030 là đổi mới hệ
thống tổ chức thực hiện TGPL với mục tiêu tinh gọn, hiệu quả phù hợp với đặc
thù từng vùng, miền.
Nhà nước bảo đảm hoạt động TGPL chất
lượng, chuyên nghiệp, phát triển bền vững, tập trung thực hiện vụ việc TGPL đáp
ứng nhu cầu của các đối tượng thuộc diện được TGPL; xây dựng đội ngũ trợ giúp
viên pháp lý có đủ năng lực, trình độ tham gia tố tụng, đồng thời thu hút đông
đảo đội ngũ luật sư giỏi, có kinh nghiệm tham gia thực hiện TGPL và sau năm
2025 hướng tới mục tiêu người thực hiện TGPL chủ yếu là luật sư; đẩy mạnh xã
hội hóa hoạt động TGPL, tăng cường công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến
địa phương, bảo đảm cho người được TGPL hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng cao.
|