Cử tri các tỉnh An Giang, Lạng Sơn, Tiền Giang, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tuyên Quang, TP. Hải Phòng đề nghị tăng mức chuẩn nghèo, cận nghèo hiện hành cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện giúp người dân phấn đấu ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ý kiến cử tri các tỉnh, mức chuẩn hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống và mức chuẩn hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống là quá thấp so với giá trị vật giá hiện tại.
Đồng thời cử tri cũng đề nghị nên có chế độ hỗ trợ theo lộ trình phù hợp cho những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo hoặc ở ngưỡng nghèo. Ngoài ra, đề nghị ban hành tiêu chí giảm nghèo phù hợp với thực tế, vì hiện nay, chỉ có thể giảm nghèo đối với các hộ trong độ tuổi lao động, còn đối với các hộ cao tuổi, tàn tật thì không thể giảm được, đề nghị đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội.
Cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi Quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo tại Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5/9/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm cho phù hợp với thực tế.
|
Về các vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
trả lời cử tri các tỉnh như sau:
Chuẩn nghèo hiện hành theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011
của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ để nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các
chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác
của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 2011-2015, để xác định nhóm người nghèo
nhất cần ưu tiên hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước, trên thực tế
mức chuẩn nghèo hiện hành không còn phù hợp vì không được cập nhật chỉ số trượt
giá hàng năm (CPI).
Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chuẩn nghèo mới
theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu và các dịch
vụ xã hội cơ bản (như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin…). Phương
pháp để tính toán, xác định chuẩn nghèo sẽ mang tính tổng hợp, dựa trên các chỉ
số như thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở... Trong cách xác định chuẩn nghèo theo
phương pháp đa chiều thì thu nhập chỉ là một trong những chỉ số để xác định hộ
gia đình có phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không. Phương pháp này sẽ giải
quyết được những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong cách xác định chuẩn nghèo
giai đoạn 2011-2015, đồng thời phản ánh chính xác hơn tình trạng nghèo của các
hộ gia đình.
Bộ cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành
động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện
mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, theo đó chính sách giảm nghèo giai
đoạn tới sẽ chủ yếu tập trung hướng tới xây dựng các chính sách hỗ trợ gắn với
điều kiện, giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tránh tư tưởng ỷ lại vào chính
sách hỗ trợ của nhà nước, khuyến khích người nghèo, vùng nghèo chủ động vươn
lên thoát nghèo, ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững
Trong quá trình thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận
nghèo hàng năm, một số địa phương đã phản ánh về tiêu chí xác định hộ nghèo
theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư số
21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5/9/2012 là chưa thực sự phù hợp khi một số hộ gia đình
thuộc đối tượng người cao tuổi, người tàn tật, không có khả năng lao động, sản
xuất để vươn lên thoát nghèo.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng
hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương khi xây dựng, ban hành Thông tư số
24/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6/9/2014 với việc đưa ra tiêu chí xác định các đối
tượng hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo (là hộ nghèo thuộc đối tượng
chính sách người có công hoặc chính sách bảo trợ xã hội nhưng có ít nhất một
thành viên trong hộ còn khả năng lao động) và đối tượng hộ nghèo
thuộc chính sách bảo trợ xã hội (là hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội
và không còn thành viên nào trong hộ có khả năng lao động) để có thể đưa
các đối tượng này ra khỏi tiêu chí xác định kết quả giảm nghèo chung để đảm bảo
phản ánh rõ ràng, khách quan hơn kết quả giảm nghèo hàng năm tại các địa
phương.
Đồng thời, qua kết quả điều tra, các địa phương có thể xác định rõ được
các đối tượng hộ nghèo có thể vươn lên thoát nghèo nếu được tác động từ các
chính sách hỗ trợ sinh kế, là cơ sở để xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm
tại các địa phương một cách chính xác và hiệu quả.
|