Tử hình được ân giảm sẽ không được
xét giảm án
Một trong những vấn đề nhận được
nhiều sự quan tâm của Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi là các quy định
liên quan đến hình phạt tử hình như việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy
định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số
trường hợp; quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân
giảm xuống thành tù chung thân.
Báo cáo về quy định không xét giảm
án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân, Phó
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Trần Văn Dũng cho biết: BLHS hiện
hành không quy định chế định này, còn Dự thảo BLHS có quy định không xét giảm
án đối với những bị án chung thân được ân giảm từ án tử hình.
Nhiều ý kiến tán thành và cho rằng
xét từ góc độ quyền sống của con người, việc áp dụng tù chung thân không giảm
án là giải pháp có ý nghĩa lớn vì tạo cho người đã bị kết án tử hình một cơ hội
để tiếp tục được sống, được lao động, gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ
hội khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
đối với người bị kết án tử hình.
Những việc này sẽ không thực hiện
được nếu án tử hình được thi hành. Hơn nữa, chế định trên vừa góp phần giảm
hình phạt tử hình trên thực tế vừa là một bước quá độ tiến tới việc loại bỏ
hoàn toàn hình phạt tử hình.
Cạnh đó, một số ý kiến Đại biểu Quốc
hội không đồng tình với chế định trên nên trong Dự thảo, ngoài phương án 1 giữ
nguyên như Dự thảo trình Quốc hội, đã bổ sung thêm phương án 2 quy định theo
hướng siết chặt hơn điều kiện để xét giảm án tù chung thân đối với những trường
hợp người bị kết án tử hình được ân giảm.
Theo đó, trường hợp người bị kết án
tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán
hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận
hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả thì thời gian đã chấp hành để được
xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt
là 25 năm.
So với trường hợp bị kết án chung
thân thông thường, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là
12 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
Cân nhắc một số tội danh cụ thể
Đối với một số tội danh cụ thể, Dự
thảo BLHS đưa ra nhiều quy định sửa đổi, bổ sung. Đáng chú ý, Dự thảo BLHS dự
kiến bỏ tội hoạt động phỉ; thay thế tội phạm của tội cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong cấu thành của các
tội phạm cụ thể trong từng lĩnh vực; bổ sung tội trục lợi trong kinh doanh bảo
hiểm và những dự kiến này đều nhận được hai loại ý kiến khác nhau.
Chẳng hạn, loại ý kiến tán thành
việc bổ sung tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm thì phân tích: Mặc dù về
nguyên tắc có thể vận dụng một số điều khoản của BLHS hiện hành để xử lý hành
vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh
bảo hiểm.
Tuy nhiên, do lĩnh vực bảo hiểm y
tế, bảo hiểm xã hội và kinh doanh bảo hiểm có những đặc thù riêng (tiền bảo
hiểm bị chiếm đoạt không xảy ra ngay lập tức mà xảy ra trong tương lai; phương
thức thủ đoạn phạm tội cũng có tính chất đặc thù…).
Không những thế, việc gian lận, trục
lợi trong lĩnh vực này có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng
nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia
bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển
của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị
trường bảo hiểm…
Loại ý kiến khác lại đề nghị không
bổ sung tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm bởi đây là quan hệ dân sự.
Trường hợp nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự, có thể vận dụng các tội danh
khác để xử lý như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, làm giả giấy tờ,
tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung
một số tội danh cụ thể, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng cần thận trọng để
tránh hình sự hóa quan hệ dân sự. Đặc biệt, Bộ trưởng rất tâm tư với tội trộm
cắp khi đây là tội phổ biến ở Việt Nam, nhất là trong trường hợp tài sản bị
trộm cắp có giá trị không lớn nhưng là phương tiện kiếm sống chủ yếu của người
dân, gắn liền với tình cảm của họ như nạn trộm chó gây bức xúc dư luận vừa
qua.
“Hay như việc nói dối, báo cáo láo,
sử dụng bằng giả, bảo kê là những hành vi rất xấu của người Việt Nam thì cố gắng
thông qua lần sửa đổi BLHS phải xử lý được quyết liệt hơn” – Bộ trưởng mong
muốn.
|