Mục tiêu của Chương
trình hành động là nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tổ
chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong
việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa
X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài
hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày
7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số
22-CT/TW.
Đồng thời, tăng cường
công tác quản lý nhà nước về lao động; hoàn thiện các thiết chế về quan hệ lao
động; củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức
đại diện người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà
nước hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động và hỗ trợ doanh nghiệp xây
dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Phấn đấu đến năm 2020
quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên;
đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện; trình độ tay
nghề và ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động được
nâng cao; tranh chấp lao động và đình công giảm, không để xảy ra đình công
không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tập trung vào những nội
dung thường xảy ra tranh chấp
Để đạt được các mục tiêu
trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai một số
nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc
thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội, trong đó
tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những nội dung thường xảy ra tranh chấp
và những doanh nghiệp còn nhiều hạn chế yếu kém trong việc chấp hành pháp luật
lao động và bảo hiểm xã hội; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dạy
nghề, đào tạo và nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, đẩy mạnh đào
tạo nghề theo đơn đặt hàng.
Bộ Công an chủ động nắm
chắc tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh trật tự cơ quan, doanh nghiệp,
địa bàn dân cư; quản lý chặt chẽ các đối tượng, xử lý nghiêm minh các trường
hợp quá khích, cầm đầu xúi giục, kích động gây rối an ninh trật tự.
Xử lý kịp thời hành vi
trốn đóng BHXH
Bảo hiểm xã hội Việt Nam
phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
pháp luật về bảo hiểm xã hội, phát hiện và đề nghị xử lý kịp thời các hành vi
nợ, gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên
công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động trong các doanh
nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung như tuyển dụng, sử
dụng lao động, chính sách tiền lương, tiền thưởng, an toàn và vệ sinh lao động,
thực hiện quy chế dân chủ cơ cở tại nơi làm việc; chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn tăng cường phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đối thoại, thương lượng, ký kết
thỏa ước lao động tập thể...
|