Đây là thông tin tại Hội thảo “Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp
ứng nhu cầu xã hội” do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 11/12.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh, chiến lược
phát triển nguồn nhân lực quốc gia đã nêu rõ đến năm 2020 có 61,5% lao động qua
đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi năng lực đào tạo của hệ thống tăng trung
bình 3,4% hằng năm từ nay đến năm 2020. Đối với yêu cầu nâng cao chất lượng
từng bước hội nhập với khu vực và thế giới sẽ đòi hỏi sự đột phá trong việc
phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển chương trình, giáo trình, đầu tư cơ sở
vật chất và trang thiết bị.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng gặp
những thách thức cụ thể như việc sát nhập giữa cao đẳng và cao đẳng nghề, trung
cấp và trung cấp nghề trong giai đoạn 2016-2020 dẫn đến tình trạng khó khăn
trong việc tuyển sinh và chuẩn hóa hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người
lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng
nghề quốc gia đang xây dựng và bước đầu hướng tới chuẩn khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng nhận định, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp
được Quốc hội thông qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp càng lớn, quy mô
càng tăng và sẽ làm thay đổi toàn bộ cơ cấu và cục diện giáo dục nghề nghiệp,
đòi hỏi phải xây dựng mới các văn bản dưới Luật để hướng dẫn.
Về vấn đề đào tạo nghề phù hợp với trình độ khu vực và thế giới,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề Nguyễn Quang Việt cho biết,
theo dự báo, đến năm 2020, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế lên
đến gần 63 triệu người, số lao động trong độ tuổi lao động là 52,8 triệu người.
Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 khoảng gần 44 triệu người.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, sẽ xây dựng danh mục và thống nhất chương
trình đào tạo theo ngành, nghề cho giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên xây dựng và ban
hành các chuẩn đầu ra cho từng nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia. Đồng
thời, 100% các nghề trọng điểm sẽ được tập trung xây dựng chương trình đào tạo
dựa trên các chuẩn đầu ra, các nghề không được quy hoạch nghề trọng điểm tại
các trường thì trường tự xây dựng chương trình đào tạo các nghề trọng điểm theo
cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2020, sẽ ban hành 210 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc
gia, xây dựng mới 298 ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và đề thi thực hành, đánh
giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 6 triệu lao động.
Đặc biệt, vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực dạy nghề cũng
được thảo luận những giải pháp để tạo thuận lợi, khuyến khích tạo điều kiện,
môi trường hoạt động bình đẳng cho các tổ chức cá nhận thuộc các thành phần
kinh tế tham gia cung cấp đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự
nghiệp (Bộ Tài chính), cần từng bước chuyển đổi phương thức ngân sách Nhà nước
cấp trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối
tượng chính sách học nghề theo quy định của pháp luật, phù hợp lộ trình giá,
phí dịch vụ công. Có thể thực hiện phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng, giao
nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đào tạo nghề có sử dụng ngân sách Nhà nước đối với
các đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề.
Bà Đỗ Thị Thúy Hằng nhấn mạnh, để đổi mới cơ chế hoạt động và
cơ chế tài chính của các cơ sở dạy nghề, việc điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo
nghề và học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đóng vai trò quyết định.
Giá dịch vụ đào tạo nghề được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật,
chi phí do cấp có thẩm quyền ban hành. Để tránh biến động, cần có lộ trình điều
chỉnh giá, phí phù hợp.
|