Theo đó, có thể thấy việc áp dụng triệt để các quy định về dân chủ
đã góp phần tăng cường, mở rộng vai trò của Bộ, ngành Tư pháp, hoàn thành có
chất lượng các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Tăng cường, mở rộng vai trò của Bộ, ngành
Thực hiện chủ trương phát huy và thực hiện dân chủ ở cơ sở của
Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo việc cụ thể hóa các văn
bản, chủ trương để áp dụng trong nội bộ của Bộ, làm cơ sở thực hiện dân chủ tại
cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ cũng như chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo thực
hiện Quy chế dân chủ (QCDC) của Bộ Tư pháp.
"Việc các quy định về dân chủ được áp dụng thực hiện triệt để
đã góp phần tăng cường, mở rộng vai trò của Bộ, ngành trong những năm qua, sự
lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Tư pháp; hoàn thành có chất lượng các
nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, nhất là trong công tác
xây dựng thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, phiền hà cho
người dân, doanh nghiệp" - Báo cáo của Bộ Tư pháp đánh giá.
Chia sẻ cụ thể về kết quả thực hiện QCDC của Bộ, Chánh Văn phòng
Bộ Trần Tiến Dũng cho biết, một số đơn vị thuộc Bộ mặc dù không bắt buộc nhưng
vẫn ban hành Quy chế thực hiện dân chủ. Ngoài ra, những thông tin, kiến nghị,
phản ánh, ý kiến đóng góp được quan tâm tiếp nhận, các khiếu nại, tố cáo thuộc
thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ kịp thời xem xét, giải
quyết, trả lời theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc triển khai thực hiện QCDC của Bộ Tư
pháp còn một số tồn tại như việc phổ biến văn bản về thực hiện dân chủ chưa
thường xuyên, có đơn vị lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ về thực hiện
dân chủ. Không những thế, vẫn xảy ra hiện tượng đơn thư nặc danh, thể hiện việc
chưa thực sự tạo được không khí dân chủ trong đơn vị. Sự tham gia của các đoàn
thể, tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân tại một số đơn vị đối với
việc phát huy dân chủ còn những hạn chế nhất định.
Khuyến khích cán bộ, công chức nói lên sự thật
Để khắc phục những bất cập trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi
hành án dân sự Mai Lương Khôi kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của Bộ Tư
pháp tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tham mưu cho cấp
ủy kiểm tra, chỉ đạo thường xuyên công tác này. Ông Khôi cũng mong muốn Ban Chỉ
đạo tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể quần chúng phát huy tốt nhất vai
trò, đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả QCDC tại cơ quan, đơn vị.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà thì đưa ra 5 giải
pháp nhằm đẩy mạnh dân chủ hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ. Đó là nâng
cao nhận thức cho cán bộ, công chức và Thủ trưởng các đơn vị về vị trí, vai trò,
nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ; làm tốt công tác kiểm tra,
giám sát trong các khâu, các quy trình của công tác cán bộ; nhân rộng các mô
hình, điển hình trong thực hiện QCDC trong công tác tổ chức, cán bộ...
"Hơn nữa, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, công
chức, đảng viên dám nói lên sự thật, nghiêm khắc xử lý những cán bộ lạm dụng
chức quyền, cục bộ, bè phái" - bà Hà nhấn mạnh.
Đại diện các tổ chức đoàn thể, Phó Chủ tịch, Thường trực Ban Chấp
hành Công đoàn Bộ, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh cho
rằng, Công đoàn Bộ cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, khen chê phải kịp thời, đưa
việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức vào các tiêu chí thi đua, khen thưởng
hàng năm.
"Cần tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn tại các đơn vị chưa thật quan
tâm đến công tác tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường đối
thoại, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, công chức đóng góp cho sự phát triển
chung của đơn vị, của Bộ, của ngành" - ông Tịnh đề xuất.
Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến chỉ đạo, triển khai hiệu
quả QCDC trong việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện
nghiêm túc việc công khai, dân chủ, nhất là công khai tài chính, quy hoạch và
các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
trong đơn vị gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Điển
hình là tổ chức thành công kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư
pháp, tạo bước ngoặt mới trong thu hút lựa chọn công chức, viên chức trẻ thực sự
có tài năng tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của Bộ, của ngành.
|