Sau
hình thức đầu tư BOT, BTO, BT… (được coi là mô hình PPP truyền thống), đầu tư
theo hình thức đối tác công-tư theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg là hình thức
đầu tư PPP hiện đại với việc nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực
hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở
Hợp đồng dự án.
Sau thời gian được coi là thí điểm, đến
thời điểm này với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, các nhà hoạch định đã
có một quá trình nghiên cứu, làm rõ mô hình PPP, điều kiện cần và đủ khi triển
khai PPP và nhất trí đã đến lúc cần một khung pháp lý đầy đủ để có thể áp dụng
mô hình đầu tư thu hút đầu tư xã hội có tính hiện đại nhưng còn mới và cũng khá
phức tạp này khi nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển ngày càng lớn và khó
khăn.
Theo Bộ KHĐT, sau một thời gian dài xây dựng, dự
thảo Nghị định đã cập nhật, phản ánh đầy đủ các quy định trong các văn bản luật
mới ban hành như Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật doanh
nghiệp vừa qua. Từ đó, xây dựng được một cơ chế khá đầy đủ các quy định về một
phương thức mới, chưa có tiền lệ kèm các cơ chế quản lý, áp dụng phù hợp.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, đang
có rất nhiều dự án, đối tác có tiềm năng triển khai PPP chờ đợi khung
pháp lý này để có cơ sở triển khai trên thực tế. Điển hình nhất gần đây
là đề nghị của Văn phòng Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair về một loạt dự án
giao thông, xử lý chất thải ở cả khu vực Hà Nội và TP.HCM.
Đến thời điểm này, Văn phòng Chính phủ đã có văn
bản gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về một số nội dung còn ý kiến khác
nhau trong dự thảo Nghị định về PPP.
Hiện còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Trong đó, vấn đề lĩnh vực đầu tư có đa số nghiêng về phương án nên quy định mở
rộng lĩnh vực thu hút theo hình thức PPP đối với các dự án trong nhiều lĩnh vực
như nông nghiệp, nông thôn, thủy lợi… cũng như các lĩnh vực đang thực hiện xã
hội hóa đầu tư như giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường...
Trong khi đó, cũng còn ý kiến lo ngại rằng trong điều kiện Việt Nam chưa có
nhiều kinh nghiệm thực hiện dự án PPP thì cần cân nhắc mở rộng hình thức này
theo lộ trình nhất định, đơn cử như từ 3-5 năm sau khi thực hiện thành công 1
số dự án để tránh áp dụng tràn lan, hiệu quả.
Chọn triển khai dự án “tiên phong”
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
nêu rõ, mô hình PPP là xu thế huy động đầu tư phổ biến từ lâu trên thế giới.
Đặc biệt đối với Việt Nam, triển khai mô hình PPP là một trong những định hướng
quan trọng trong bài toán tái cơ cấu đầu tư khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách
hạn hẹp, nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội ngày càng cao thì việc kêu gọi
các nguồn lực xã hội có mục tiêu “win-win” (toàn tâm, toàn ý để đạt được mục
tiêu) cho cả Nhà nước và nhà đầu tư là tất yếu.
Trên
tinh thần đó, Bộ KHĐT khẩn trương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo để có thể
trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về PPP trong thời gian sớm nhất.
Cùng
với đó, Ban chỉ đạo về PPP tổng hợp các dự án tiềm năng có thể thực hiện
theo hình thức PPP, lựa chọn 1 số dự án quy mô lớn, có tính chất “tiên phong”
để đảm bảo thực hiện thành công tạo động lực, áp dụng rộng rãi cho hình thức
đầu tư mới và quan trọng này.
“Có
thể là 1 dự án giao thông và điện, dự án này phải được triển khai một cách bài
bản, khẩn trương để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy các dự án PPP
tại Việt Nam là cơ hội hấp dẫn và được triển khai nghiêm túc theo đúng thông lệ
quốc tế”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Bên
cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành thành viên phải tách và
thống kê được tỷ trọng vốn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư tư nhân trong thời gian
qua, từ đó có mục tiêu sát thực hơn đối với việc kêu gọi các hình thức đầu tư
như BOT, PPP… “Tái cơ cấu đầu tư công kết quả như thế nào là phải trả lời được
câu hỏi này”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng
với đó, Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng Nghị định về lựa chọn
nhà đầu tư, quy định những vấn đề về thủ tục để cùng với Nghị định về
PPP (quy định các vấn đề nội dung) đảm bảo hoàn thiện khung pháp lý về triển
khai thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP.
|