Các quy định này đang
thu hút sự quan tâm của dư luận nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích của
người dân, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội.
Tôn trọng, bảo vệ
quyền nhân thân
Để triển khai thi hành
Hiến pháp 2013, cùng với yêu cầu nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam
là thành viên đã đặt ra câu hỏi lớn là làm thế nào để bảo đảm phát huy và thực
thi một cách đầy đủ các quyền con người, quyền công dân trong cuộc sống.
Nhận thức rõ điều này,
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, sau một thời gian nỗ lực, Bộ Tư pháp đã cố
gắng cụ thể hóa cách thức bảo vệ và thực thi quyền con người, quyền công dân
theo tinh thần của Hiến pháp, trong đó không thể không kể đến quyền của các nhóm
yếu thế trong Dự thảo BLDS (sửa đổi).
Vì vậy, hôm qua – 11/12,
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện
(GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn
thiện các quy định liên quan đến quyền của các nhóm yếu thế trong Dự thảo BLDS
sửa đổi.
Dự thảo BLDS sửa đổi mới
nhất dành hẳn một mục quy định cụ thể về quyền nhân thân và một số quy định tại
các phần riêng về quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền sử dụng đất, quyền về khoa
học công nghệ…
Trong đó, có một số
quyền đáng chú ý là quyền về họ, tên, quyền xác định dân tộc, quyền xác định
lại giới tính, quyền tự do kinh doanh, quyền tiếp cận thông tin, quyền lập hội…
Ngoài các quyền nhân thân được quy định, các quyền con người, quyền nhân thân
khác về dân sự đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo
Hiến pháp và pháp luật.
Tranh luận sôi nổi về
quyền thay đổi họ, tên
Tuy nhiên, tham gia Hội
thảo, các đại biểu đến từ các tổ chức xã hội, các hội, hiệp hội và các chuyên
gia, nhà khoa học đã có nhiều góp ý, kiến nghị Ban soạn thảo BLDS sửa đổi tiếp
tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích của
người dân, nhất là một số nhóm xã hội thiệt thòi như phụ nữ, trẻ em, người đồng
tính, người nghèo, người thiểu số, người khuyết tật. Rất nhiều quyền nhân
thân được các chuyên gia “mổ xẻ”, trong đó đặc biệt phải kể đến quyền về họ,
tên.
Chuyên gia tư vấn Dự án
GIG Vũ Công Giao cho rằng, nên tiếp tục xem xét bổ sung người phẫu thuật chuyển
giới là đối tượng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận
việc thay đổi họ, tên vì nhu cầu thay đổi họ, tên của người phẫu thuật chuyển
giới là có thật và cấp thiết.
Ông Lương Thế Huy (Viện
Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) phân tích: Với người chuyển giới,
giới tính mong muốn của họ không trùng với giới tính khi sinh ra mà việc đặt
tên ở Việt Nam thường thể hiện đặc điểm giới tính trong đó. Nếu không được đổi
tên, người chuyển giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, bị soi
mói, thậm chí bị phân biệt đối xử từ những người khác.
Ông Huy mong muốn quyền
thay đổi họ, tên tới đây sẽ là quyền không có điều kiện, tức là có thể đổi tên
theo nguyện vọng và bằng 1 trong 3 cách, gồm đổi tên bằng thủ tục hành chính,
bằng phán quyết của tòa án, bằng thủ tục tuyên bố thực tế.
Hoạt động trong lĩnh vực
bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, bà Dương Thị Xuân (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam) lại đề nghị cân nhắc bổ sung trường hợp không xác định cha thì họ của cá
nhân là họ của mẹ đẻ để hướng tới những phụ nữ không có chồng nhưng có quyền
sinh con theo quy định của luật. Tương tự, đối với quyền xác định dân tộc,
trong trường hợp không xác định cha thì dân tộc của con được xác định theo dân
tộc của mẹ.
Tuy nhiên, một đại biểu
đến từ Bắc Giang cho rằng, bất cứ ai cũng có quyền đối với họ, tên của mình,
quyền về họ, tên là quyền đương nhiên, “không cần phải là người chuyển giới mới
có quyền thay đổi họ, tên”. Không những thế, thực tế đã chứng minh không có tên
gọi nào mặc định cho nam hay cho nữ. Bởi thế, theo đại biểu này, Dự thảo BLDS
sửa đổi không cần đặt ra quy định về quyền thay đổi họ, tên.
|