Điển hình là trường hợp của Luật sư Trần Hồng Lĩnh, Đoàn luật sư
Hải phòng đã bị tạt axit dẫn đến mù mắt phải, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng.
PLVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm
Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng luật sư (LS)
bị trả thù, có khi bị đe doạ giết khi tham gia bào chữa phanh phui sai phạm của
các bên, điển hình như trường hợp của LS Trần Hồng Lĩnh trong thời gian gần
đây?
- Hiện nay, có xảy ra một số trường hợp LS bị khủng bố, bị trả thù
khi phanh phui sai phạm của các bên. Đây là một hiện tượng hết sức đau lòng, vì
LS là người bảo vệ lẽ phải, công bằng, lên án các hành vi sai trái vi
phạm pháp luật mà lại bị khủng bố và trả thù.
Vấn đề đó đặt ra cho cả xã hội là cần phải lên tiếng để bảo vệ lẽ
phải, công lý và các cơ quan bảo, pháp luật cần phải có những biện pháp hữu
hiệu hơn nữa để bảo vệ người dám đấu tranh với cái xấu và đưa những kẻ phạm
tội, vi phạm pháp luật ra xử lý nghiêm minh.
Thực tế, hiện tượng tiêu cực và mặt trái xã hội là khó tránh khỏi
trong bước đường xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển đất nước. Vấn đề
đặt ra là cần phải nhận diện đầy đủ khó khăn, thách thức về những hiện tượng
tiêu cực đó để giảm thiểu, đẩy lùi và vượt qua những mặt hạn chế đó như thế
nào.
Đối với LS và nghề LS luôn giáp mặt với những khó khăn, thách thức
và những mặt trái tiêu cực thì mỗi LS cần phải hiểu và hành động như thế nào để
làm trọn được bổn phận nghề nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân và các tổ chức kinh tế.
Vì thế, đội ngũ LS rất cần sự ủng hộ, đồng hành từ phía Nhà nước
và cộng đồng xã hội để động viên, khuyến khích họ hành nghề, bảo vệ quyền hành
nghề hợp pháp của họ để họ dám đấu tranh với lẽ phải và công bằng, phanh phui
và trừng trị những kẻ xấu có hành vi vi phạm pháp luật ra trước công luận và
công lý.
Trường hợp LS Trần Hồng Lĩnh bị tạt axit gây thương tích nặng là
một vụ trọng án có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc và phẫn nộ. Ngay sau khi
xảy ra sự việc, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra tìm hung thủ nhưng rất tiếc
đến nay cơ quan tố tụng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
Liên đoàn LS Việt Nam, xin ông cho biết hiện nay Liên đoàn LS Việt Nam đã có
những biện pháp gì để bảo vệ các thành viên khi họ gặp phải tình trạng trên?
- Liên đoàn LS Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp luôn bảo
vệ quyền hành nghề hợp pháp của LS. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các
LS trong quá trình hành nghề, Liên đoàn LS Việt Nam cần tập trung vào một số
giải pháp.
Một là, xây dựng cơ chế bảo vệ
quyền hành nghề hợp pháp cho LS trong quá trình hành nghề một cách nhanh chóng,
hiệu quả. Trong đó cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng,
phối hợp với các Đoàn LS và các LS để có những phản ứng nhanh và kịp thời khi
LS bị đe doạ, bị khủng bố, hay bị hành hung.
Hai là, Liên đoàn LS Việt Nam
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để cùng phanh phui những hành vi
vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có sai phạm, cần phải thông qua cơ
chế tập thể và công luận để cùng đấu tranh với các hiện tượng sai trái nhằm bảo
vệ LS trước những đe dọa.
Ba là, tăng cường công tác
giáo dục, bồi dưỡng cho LS về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề, trong đó
có các kỹ năng ứng xử với khách hàng, với các cơ quan tiến hành tố tụng để một
mặt LS phải có khả năng tự bảo vệ trước những rủi ro tai nạn trong quá trình
hành nghề; mặt khác, khi có dấu hiệu bị khủng bố và hành vi hành hung LS thì LS
có khả năng phối hợp với Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS, các cơ quan tiến hành
tố tụng để cùng ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đó để đưa các tội
phạm ra trước pháp luật để giải quyết.
Với tư cách là LS đã hành nghề lâu năm, ông nhắn
nhủ điều gì đối với đồng nghiệp của mình?
- Là LS đã hành nghề được một số năm, tôi rất thấu hiểu
những thuận lợi, khó khăn của LS trong quá trình hành nghề. LS không phải chỉ
bị đe doạ, khủng bố hay bị hành hung từ phía các đối tượng có hành vi vi phạm
pháp luật khi phanh phui những sai phạm pháp luật của một chủ thể nào đó trong
các vụ việc mà LS biết hoặc tham gia.
LS còn giáp mặt với nhiều khó khăn ngay chính từ những khách hàng
mà mình cung cấp dịch vụ pháp lý. Nếu chất lượng dịch vụ pháp lý không đảm bảo,
không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp LS thì cũng sẽ bị chính khách hàng của mình
tẩy chay hoặc lên án.
LS tham gia tố tụng, đặc biệt là tham gia bào chữa trong các vụ án
hình sự ở giai đoạn điều tra, còn gặp những khó khăn, cản trở từ phía một số
điều tra viên và cơ quan điều tra, hoặc Viện kiểm sát làm cho LS bị ức chế hoặc
nản lòng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.
Khó khăn, nguy hiểm LS gặp phải trong quá trình hành nghề là rất
nhiều và từ nhiều phía, LS luôn phải vượt qua để làm tròn bổn phận nghề nghiệp,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng, giữ gìn được đạo đức
nghề nghiệp LS.
Trong trường hợp LS bị đe doạ, khủng bố, hành hung hay bị tấn công
từ phía các tội phạm thì trước tiên LS cần phải có khả năng tự phòng vệ bản
thân trong từng quan hệ và từng vụ việc, hạn chế tối đa những rủi ro. Xây dựng
các phương án phòng ngừa từ xa cũng như các phương án bảo vệ, phối hợp với các
cơ quan tiến hành tố tụng, với Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS để cùng bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, công dân, tổ chức và của chính
LS.
Nghề LS là một trong những nghề dễ gặp rủi ro, tai nạn, là một
nghề gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nếu vượt qua được thì LS cũng rất vinh dự vì
đã âm thầm đóng góp những giá trị đích thực cho xã hội, cho mọi người trong
việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.
Tôi luôn tin tưởng dù LS, nghề LS có gặp những khó khăn, thách
thức trong quá trình hành nghề, điều đó là không thể tránh khỏi, nhưng đối với
những người yêu nghề, có phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp thì vẫn có thể vượt
qua, có thể đóng góp vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế góp phần xây dựng
xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
|